Cảnh báo không thừa khi kinh doanh sàn phái sinh

Tính toán mua bán trên mạng.

Một trong những công cụ bảo vệ tài chính được cho là tiên tiến và cần thiết hiện nay trong kinh doanh hàng hóa là sử dụng các sàn phái sinh thương phẩm (commodities).

Tuy nhiên, khi tham gia kinh doanh trên sàn phái sinh, người dùng có nhiều mục đích khác nhau. Đúng đắn nhất là để bảo vệ giá mua bán đối với kinh doanh hàng thực (physicals), nhưng rủi ro cao đến với người dùng chúng để đầu cơ giá lên hay giá xuống và người muốn kiếm tiền nhanh hay hám lợi.

Không ít doanh nghiệp, người thu mua và kể cả nông dân tại Việt Nam hàng ngày vẫn đang giao dịch trên các sàn phái sinh nông sản như cà phê, ngũ cốc các loại. Một số khác, tuy không kinh doanh vàng và dầu thô chuyên nghiệp, vẫn mua bán các mặt hàng này trên mạng để mong kiếm lợi nhuận nhanh.

Khác với một số sàn chứng khoán, phải mua cổ phiếu rồi mới được bán, người giao dịch trên các sàn phái sinh được quyền mua và bán khống nhờ lực thanh khoản rất nhanh, chỉ cần tất toán vị thế mua hay bán là biết ngay lỗ hay lời và biết ngay số dư tăng hay giảm trong tài khoản.

Tuy nhiên, sau hiện tượng giá dầu thô Mỹ (hợp đồng WTI) giảm xuống mức âm -37,63 đô la Mỹ/thùng cách nay gần một tháng, ban điều hành thị trường thương phẩm Mỹ ngày 13-5-2020 đã chính thức cảnh báo với các sở giao dịch và hãng môi giới hãy sẵn sàng để đối phó với khả năng giá phái sinh một số loại hàng hóa có thể xảy ra tương tự như hợp đồng WTI mới đây, tức giá bị kéo xuống mức âm bất ngờ, Reuters ghi nhận lại vào ngày 14-5-2020.

Lượng hợp đồng mua khống lớn trên một tháng giao dịch kỳ hạn là cơ duyên để giá một sàn phái sinh hàng hóa dễ bị các quỹ đầu cơ tài chính tung tiền ra bán nhằm “ngốn” những hợp đồng mua khống ở giá cao mà chưa thể bán được khi giá xuống thấp.

Tình huống hay xảy ra là khi các hợp đồng mua khống này gặp phải ngày thông báo giao hàng đầu tiên (FND), buộc người giữ vị thế mua kỳ hạn tháng đang giao dịch chính phải bán để thanh lý hợp đồng nhằm tránh giao nhận hàng thực (physicals). Vì vậy, nhiều người còn gọi kinh doanh trên sàn phái sinh là “thị trường hàng giấy” tức chỉ thanh toán với nhau bằng giấy xác nhận lời hay lỗ. Vả lại, chỉ có người môi giới chính thức đăng ký trên sàn mới được quyền giao nhận hàng thực, còn người kinh doanh hàng giấy dù to hay nhỏ đến mấy, chỉ được quyền thanh lý thông qua “giấy” chuyển khoản.

Kinh nghiệm hợp đồng WTI cho thấy dù giá xuống mức âm, nhà kinh doanh muốn mua cũng không thể vì máy chủ của các sàn giao dịch không cài đặt sẵn giá mua bán ở mức âm mà chỉ có dương. Nhưng oái oăm là nếu một khi giá rớt xuống âm, người rơi vào trường hợp phải bán giá thấp hay còn gọi là bị chặn lỗ (stoploss), phải trả tiền thua lỗ theo mức rớt trong ngày.

Qua đợt “đầu rơi máu đổ” trên sàn WTI vào ngày 20-4-2020, ban điều hành các sàn thương phẩm Mỹ đã ra khuyến cáo cho các sở giao dịch và hãng môi giới: “Nay, chúng tôi đưa ra lời khuyên này trong bối cảnh giá trên các sàn phái sinh biến động mạnh, thất thường, giá có khi xuống vùng âm như trường hợp hợp đồng WTI giao hàng tháng 5-2020 và các hợp đồng kinh doanh có liên quan”.

Trong kinh doanh một số loại nông sản, cụ thể như cà phê, hiện nay người bán thường có thói quen bán giao hàng vào kho và treo chờ giá tăng mới chốt bán theo giá niêm yết của sàn phái sinh. Nói thẳng rằng cách bán này góp phần rất nhiều cho việc xây lớn hơn thêm lượng hợp đồng mua trên sàn phái sinh (long position). Tuy gọi là bán, nhưng ở vị thế treo, nên cũng được xếp vào hạng mục “mua” (long physical /short differential). Các tay đầu cơ tài chính “cá mập” chỉ cần dùng ít tiền kích mua nhích giá lên để “mồi” người hám lợi. Đó nên được thấy là cách tối đa hóa lượng mua mà mục tiêu cuối cùng là tối đa hóa lợi nhuận. Càng tích tụ hợp đồng mua bao nhiêu, bong bóng giá càng to bấy nhiêu. Trong khi nhà đầu cơ nhỏ lẻ đang mơ màng mong giá tăng với kỳ vọng lợi nhuận lớn hơn để bán, thì bất ngờ giá nổ cái “đùng” và rơi tự do. Người giữ vị thế mua bấy giờ không kịp trở tay và phải chịu thua lỗ như cảnh hợp đồng WTI tháng trước.

Các nước giàu có đang in tiền ra nhiều với kỳ vọng là thuốc chữa lành nền kinh tế vốn trì trệ do dịch Covid-19. Hoạt động và diễn biến giá trên các sàn tài chính phái sinh đang chịu lực xô đẩy rất mạnh nếu không nói có khi cực đoan bởi các dòng vốn, thường đi theo chiều có lợi cho các quỹ đầu tư lớn, nhưng gây thiệt hại cho người hám lợi thiếu cảnh giác.

Nên chăng, ở giai đoạn hiện nay, cần có biện pháp hạn chế tối đa khối lượng mua bán trên các sàn phái sinh liên thông với bên ngoài, trừ những trường hợp các doanh nghiệp lớn kinh doanh xuất nhập khẩu hàng thực (nông sản, vàng, dầu thô…). Biện pháp đề nghị là nên đăng ký khối lượng xuất nhập khẩu hàng thực để cho phép giao dịch hàng giấy tương ứng. Riêng các nhà đầu cơ giá lên hay xuống hàng ngày hay còn gọi là nhà đầu cơ nhỏ lẻ, “kinh doanh trên mạng”, nên tăng thật mạnh thuế giao dịch hay một hình thức chế tài nào đó để giảm thiểu rủi ro cho chính họ và hạn chế thiệt hại cho an sinh xã hội, kinh tế gia đình và đất nước. Nghe rằng một trường hợp do “mua bán cà phê trên mạng thua lỗ lớn”* mà vị bí thư xã Liên Hà, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng đi đến quẫn trí, giết cháu để trục lợi bảo hiểm nhằm trả nợ vì thua lỗ hàng cà phê hàng giấy.

Riêng đối với người kinh doanh nông sản buộc phải dùng giá niêm yết một sàn phái sinh nào đó ở nước ngoài, nên chăng không nên giữ vị thế “treo chờ giá để bán” quá lâu, cứ thấy giá được là bán dù có thể phải bán lỗ (hàng thực) nhưng mua lại giá thấp hơn để bù vào. Đặc biệt không nên chờ đợi đến thời gian khi sàn hẹn ngày thông báo giao hàng.

Oái oăm là muốn có lời hàng giấy thường phải mua bán theo xu hướng. Khi giá lên mua theo, khi giá xuống bán đuổi…Nhưng nếu nghe lời khuyên của ban điều hành các sàn giao dịch tài chính phái sinh như đã dẫn, chí ít phải tránh khi khối lượng dư mua hàng giấy và treo bán hàng thực quá lớn trên một sàn nào đó vì rủi ro giá rất dễ bị đạp xuống sâu và…âm.

Mua bán hàng hóa thương phẩm hiện nay tại Việt Nam và nhiều nước khác chưa thể tránh các sàn phái sinh. Như khi bán nông sản dưới dạng thương phẩm, khi còn dùng giá niêm yết để tham chiếu, thì cũng có nghĩa rằng hàng hóa xuất khẩu bán ra chưa tham gia được chuỗi cung ứng ổn định. Chính vì vậy, nhiều người cứ phải chọn bán hàng “chợ” hay thương phẩm.

Nhưng xem ra bán hàng chợ có cách giao dịch khác, không giống như thói quen hiện nay. Quan trọng nhất là nhà kinh doanh thương phẩm phải biết khắc khe với chính mình, tránh phiêu lưu và hám lợi.

Nguyễn Quang Bình

đã được đăng trên TBKTSG bản in số 21-2020 ngày 21-5-2020

=

*https://tintucvietnam.vn/vu-bi-thu-dot-xac-chau-dung-hien-truong-gia-nguyen-nhan-vi-tien-bao-hiem-d238044.html

Hits: 46