(26/10/2019) Robusta có làm thành cà phê ngon được không? Nhu cầu thị trường và kỳ vọng của ngành rang xay (bài 4)

Nhu cầu thị trường và Kỳ vọng của ngành rang xay

Nếu thị trường không có nhu cầu, thì khó cải tiến lãnh vực sản xuất và chế biến robusta đặc sản. Sở dĩ số phận robusta ra sự thể hiện nay, chính là do thái độ tiêu cực đối với robusta.

Khu phơi sấy Godere Daknong-Ảnh Godere

Cứ tưởng tượng nếu một người trồng robusta sử dụng hết tất cả các kỹ thuật tốt nhất, tuân thủ các qui tắc sản xuất tốt nhất, đầu tư cho là chỉ chút chút thôi, nhưng rồi nhà rang xay lại nói: “Chà, cám ơn, hàng tốt ghể đó chứ, nhưng nó cũng chỉ là robusta thôi…lò rang tôi chỉ xài arabica đặc sản thôi…” Thì không phũ phàng là gì!

Một thực tế là ngay cả nhiều nhà xuất khẩu tại nước sản xuất cũng còn chê robusta nữa là! Trách ai bây giờ! Nhiều nhà rang xay đến nay vẫn “in trí” và chỉ chơi với arabica. Thái độ như thế thì trách sao được nhà nông robusta không đầu tư vào chất lượng. Họ cố gắng làm ra hột cà phê robusta ngon/đặc sản nhưng cũng muốn thu nhập hợp lý, đủ trả cho công sức của họ chứ!

Hái trái chín và phơi ngay trên giàn-Godere Daknong

Một tiến sỹ ngành Kinh tế Chính trị Quốc tế chuyên nghiên cứu về chuỗi giá trị hàng hóa nông sản toàn cầu khẳng định rằng: “Tôi chưa thấy ai mua robusta ngon/đặc sản mà phải bỏ thị trường cà phê đặc sản arabica cả.”

Nên, đẩy mạnh sản xuất robusta ngon/đặc sản không có nghĩa là tạo thêm áp lực cho nhà vườn arabica. Điều đó có nghĩa rằng cứ tạo điều kiện cho người tiêu thụ cuối cùng có cơ hội thử một vị cà phê hoàn toàn mới và sản phẩm khác. Thêm món robusta ngon/đặc sản là làm tăng thêm người tiêu thụ mới cho thị trường cà phê đặc sản, vì vị loại đặc sản này hoàn toàn khác.

Nhưng điều cực kỳ quan trọng là phải rất quan tâm, giải thích cà phê robusta đươc sản xuất, chế biến như thế nào. Robusta chiếm 40% sản lượng cà phê thế giới nhưng phi lý là người trồng robusta không tiếp cận được thị trường cà phê đặc sản dù sản phẩm của họ có đạt được chất lượng cao nhất. Đáng ra, nhà vườn robusta chịu công chịu khó, đặt hết tâm ý của mình để là ra robusta ngon, thì bản thân hàng của họ phải được công nhận và được đền bù xứng đáng như arabica đặc sản chứ. Như thế, mục tiêu là làm sao mang lại thu nhập thêm cho người trồng robusta.

Sự xuất hiện cà phê robusta đặc sản trên thị trường cà phê đặc sản nói chung không phải là trò chơi bày ra kiểu bên robusta thắng thì bên arabica phải thua, hay ngược lại. Cà phê đặc sản cần sản phẩm đa dạng. Đừng sợ sản phẩm robusta ngon/đặc sản ra đời sẽ làm mất chén cơm của người trồng arabica đặc sản. Cái chén thì nhỏ, tại sao mình không nghĩ phải làm cho cơm thành nhiều trong cái tô, cái nồi to hơn?

==

Lời người chuyển ngữ: Bài viết này đã lượt bớt những lời thoại để giúp tập trung làm rõ nội dung. Nhưng không vì thế mà nội dung chính của bản gốc bị thay đổi khác đi.

NGUYỄN QUANG BÌNH

Chuyển ngữ tiếng Việt từ bài của tác giả Francesco Impallomeni.

Lưu ý bạn không được quyền trích đăng bài vở trên trang này vì đã có bản quyền. Muốn trích đăng, chép lại, mong bạn lịch sự xin phép tác giả. Một khi trích đăng, sao chép, nhất thiết phải ghi nguồn và tên tác giả. Bài này không có dụng ý sử dụng để kinh doanh bất kỳ dưới hình thức nào.

Mọi thắc mắc xin gọi cho điện thoại theo số 0949393283. Xin lỗi không sử dụng tin nhắn và hội thoại trên các mạng xã hội như Zalo, FB, Viber…

 

Hits: 294