Từ mươi năm nay, dù giá cả thị trường thế nào, Việt Nam vẫn là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới. Khối lượng giao dịch mua bán robusta hay còn gọi là cà phê vối chỉ chiếm chừng một phần ba tổng khối lượng tiêu thụ toàn cầu hàng năm.
Cà phê chè hay arabica chiếm hai phần ba còn lại. Brazil là nước dẫn đầu với lịch sử kinh doanh từ 300 năm nay không có đối thủ. Colombia là nước sản xuất cà phê lớn thứ ba nhưng lại là nước xuất khẩu arabica lớn thứ nhì thế giới.
Nếu như robusta chỉ là loại cà phê được dùng để phối trộn, chất lượng như mùi vị chẳng hạn của loại cà phê này càng trung tính bao nhiêu, robusta càng bán chạy bấy nhiêu. Trong khi đó, arabica quyết định chất lượng ly cà phê, từ mùi thơm, vị nếm, độ chua…Vì thế, giá cà phê robusta thường chỉ bằng 2/3 của giá arabica. Do nhu cầu tiêu thụ tại nhiều nước công nghiệp mới nổi, robusta được sử dụng để chế biến thành cà phê hoà tan, một loại thức uống công nghiệp mùi vị chung chung, rẻ và tiện lợi, nhờ vậy khối lượng giao dịch robusta có tăng thêm chút ít nhưng còn lâu lượng tiêu thụ robusta mới cân bằng được với arabica.
Nói vậy để thấy rằng phân khúc thị trường và giá cả của cà phê robusta khác xa với arabica. Bất kỳ mọi so sánh giữa hai loại cà phê arabica với robusta, nếu không thấu hiểu điểm mấu chốt này, đều không đúng với bản chất của thị trường và nhất là không thể tìm đường cho hạt cà phê robusta Việt Nam “vượt khó”.
Nhiều ý kiến tham mưu dịp lễ hội Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ nhất vùa qua được tổ chức tại TPHCM, không ít phát biểu gây ngộ nhận. Rõ ràng sẽ hết sức khập khiễng nếu đem giá robusta, kim ngạch xuất khẩu của một nước chủ yếu xuất khẩu cà phê loại này để đọ với arabica. Không nên quên rằng cũng là kim loại quý cũng được giao dịch và mua bán trên các sàn kỳ hạn, nhưng vàng và bạc có giá trị khác và cách dùng riêng!
Từ lâu, do vị trí của sản phẩm, cà phê robusta Việt Nam cũng như của tất cả các nước xuất khẩu robusta khác buộc phải bán dưới dạng thương phẩm, hay nói trại đi là “hàng chợ”. Thị trường thương phẩm chỉ yêu cầu chất lượng “chấp nhận được”, miễn là giá rẻ, nguồn cung ứng đều đặn.
Bên cạnh thị trường hàng chợ, để tìm lối ra cho ngành cà phê nước mình, nhiều nước sản xuất đã nghiên cứu và thâm nhập sâu thị trường hàng đặc sản, hay “hàng độc” (specialty) như là một hướng thoát nhằm kích thích tiêu thụ trong nước và tăng giá trị xuất khẩu.
Vậy cho nên nông dân cà phê cần phải biết họ không nên sản xuất ra một hạt cà phê chung chung, với một chất lượng chung chung, bán “chợ’ đâu cũng được. Bỏ ra tiền tỷ để lấy lại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, nhưng niên vụ 2015/16 vừa qua chỉ có 1,3% lượng hàng xuất khẩu từ địa danh “nức danh” cà phê này chịu lấy chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột. Tốn tiền đòi thương hiệu, không phát huy được nó phỏng có ích gì!
Khuyến khích nông dân sản xuất cà phê chất lượng, nhưng không hề thông tin cho họ biết vị nếm của hạt cà phê họ làm ra, ai, nước nào thích mùi ấy, vị ấy để hoà vào chuỗi cung ứng cụ thể, nhằm tăng giá trị, tăng thu nhập, sản xuất bền vững…thì không nên tham mưu thêm, thêm rối!
Hoa kỳ đang là nước đi đầu trong tiêu thụ cà phê đặc sản. Đã có đơn vị, cá nhân tại Việt Nam tiên phong tiếp cận với thị trường này như là một lối chọn cách kinh doanh “hàng độc” thoát cách làm cách nghĩ cũ.
Thị trường cà phê đặc sản có sàn kinh doanh riêng, giá thường cao hơn.Hàng càng độc đáo, giá càng cao, có khi bán giá cà phê hạt “hàng độc” được giá gấp 10 lần so với “hàng chợ” so với cà phê hiện nay đang bán theo giá sàn kỳ hạn. Vừa qua, Hiệp hội cà phê đặc sản Hoa Kỳ (SCAA) đã chọn Công ty Giám định và chứng nhận hàng hoá Việt Nam (VCC&C) làm đại diện sở tại cho một thị trường rộng lớn đang phát triển của họ với doanh thu hàng năm chừng 30 tỷ đô la Mỹ.
Nhiều nơi ở Việt Nam, từ Đà lạt đến Hà nội, từ Buôn Ma Thuột đến TPHCM đang nở rộ các quán phục vụ cà phê đặc sản.
Nếu cứ hài lòng với hàng chợ, với sàn kỳ hạn cà phê robusta London, ngành cà phê Việt Nam sẽ khó thoát khỏi cái áo đang quá chật của mình.
Nguyễn Quang Bình, đã đăng trên SGTT số 150 ngày 19/12/2016
Hits: 300