Đã đến thời của sách điện tử?

(TBKTSG Online) – Không còn nghi ngờ gì nữa để nói rằng thời đại máy tính chuyển biến quá nhanh. Các thiết bị công nghệ tin học, các ứng dụng phần mềm (software) phục vụ đời sống vật chất và tinh thần ra đời từng ngày với mật độ xuất hiện ngày càng dày.

Đã đến thời của sách điện tử?
Các trang thương mại điện tử còn thực hiện nhiều đợt khuyến mãi cho sách điện tử. Ảnh: Reuters

Đời sống văn hóa con người đi nhanh đến nỗi các nhà văn hóa và giáo dục lo ngại rằng thế hệ trẻ hiện nay mất dần cảm giác thích thú đọc sách (book reading/get a good read) như xưa. Ngành in và phát hành sách (book industry) càng lo ngại vì tầm hoạt động nghề nghiệp và doanh thu teo dần.

Bản thân nhiều người trong book industry đã và đang tính tới chuyện làm sao mở rộng và phục vụ tốt cho thế hệ người đọc mới, đó là “electronic readers” (người đọc sách điện tử).

Nếu như trước đây, người đọc sách truyền thống (traditional readers) thường phải lật từng trang giấy của sách để đọc (turn paper pages), thì electronic readers chỉ cần sử dụng thiết bị cầm tay (handheld devices) như máy tính bảng (tablet), điện thoại di động (mobile phones), hay một số thiết bị đọc sách chuyên dùng như Kindle của Amazon chẳng hạn.

Dĩ nhiên electronic readers đọc e-books (sách điện tử). Muốn mua sách, họ chẳng phải đến bookshops (nhà sách) nữa mà sách được chứa trên mạng (books stored on the websites). Đơn giản là họ chỉ cần truy xuất sách (download books) thông qua đường truyền không dây (wirelessly) trên trang web chào bán e-books. Có nhiều cuốn e-books không chỉ đọc bằng mắt mà bạn còn có thể nghe người ta đọc (audio).

Các trang thương mại điện tử còn thực hiện nhiều đợt khuyến mãi, khuyến đọc. Amazon đã đã từng giảm 60 đô la Mỹ cho mỗi máy Kindle so với mức giá trước đó là 350-360 đô la.

Giá mua sách thì sao? Nếu mỗi cuốn sách in bìa cứng truyền thống (traditional hardcover books) tại các nước Âu-Mỹ có giá bình quân 25 đô la thì các cuốn mới phát hành (new releases) cùng nội dung trên e-bookstore chỉ chưa tới 10 đô la, và sách phát hành trước đó dù là thuộc loại bán chạy nhất (bestsellers) cũng chưa tới 1 đô la mỗi cuốn.

Các tờ báo ngày, tạp chí (newspapers/magazines) và nhiều loại xuất bản phẩm khác cũng được bán trên mạng. Người mua đọc phải trả tiền hàng tháng (a monthly charge).

Tác giả sách in nhận tiền bản quyền (copywright) bằng tiền bán sách. Rủi ro lớn nhất của tác giả có e-books là thường bị xài chùa do thiên hạ download bất hợp pháp. Trường hợp này giống như những năm đầu thế kỷ XXI, các tác giả âm nhạc (composers) bị đánh cắp bài hát của mình vì copyright không được bảo vệ. Ngành âm nhạc (music industry) đã có một thời kỳ điêu đứng vì công sức lao động của nhạc sĩ bị download và copy vào máy nghe nhạc với software như mp3 chẳng hạn.

Sách và các bài viết, bài báo (articles) là những công trình, công sức của các tác giả (authors) dù đó là nhà văn, nhà thơ hay nhà báo (writers/poets/journalists).

Trong giai đoạn mà e-books đang phát triển không ngừng, quyền tác giả của họ cần được tôn trọng và được bảo vệ (respected and protected).

Dù e-books lấn tới, một số nhà in (printing houses), nhà xuất bản (publishers) vẫn vững tin rằng sách truyền thống còn lâu mới bị diệt vong. Có lẽ họ tin rằng hương thơm của giấy và mực (ink) của sách in giúp cho người đọc sách truyền thống có cảm giác thư giãn (relaxing/relaxed) hơn là màn hình (screen) khô khốc và lòe loẹt của e-books.

NGUYỄN QUANG BÌNH (Bài đã được đăng trên TC KTSG 20/06/2018)

Hits: 83