Nhận định giá cà phê thế giới từ 18-23/10/2021: Vẫn chưa chọn được hướng rõ ràng

Diễn biến thị trường tuần trước: Tăng khiêm tốn dù từng phiên giá dao động mạnh

Giới chức quản lý thương cảng lớn nhất tại Anh Quốc tuần qua cho biết khủng hoảng chuỗi cung ứng tạo tình trạng ùn ứ containers hàng hóa chưa từng có tại nước này. Cảng Felixstowe, nơi điều phối 36% lượng containers hàng hóa vào nước Anh, đang chịu cảnh ứ đọng containers trước kỳ lễ tết quan trọng nhất trong năm tại châu Âu. Hai trận bão đổ bộ vào Thẩm Quyến (Trung Quốc), cộng với lệnh phong tỏa do dịch Covid-19 tại nhiều nước châu Á làm tình hình trầm trọng thêm. Bên kia bờ Đại Tây Dương, tại cảng Longbeach, California (Mỹ), gần trăm tàu phải chờ nối đuôi đợi dỡ hàng.

Áp lực trên chuỗi cung ứng toàn cầu gây nên hiệu ứng xấu cho giao thương thế giới. Cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ “lệnh” rằng cảng bận rộn nhất nước Mỹ tại Los Angeles phải nỗ lực làm việc ngày đêm để giải phóng nhanh containers và hàng hóa nhằm thỏa mãn sức mua của người tiêu thụ dịp lễ tết vì thời gian chỉ còn hơn hai tháng, và nhất là góp phần giải quyết nhanh đợt khủng hoảng tàu biển hiện nay.

Các nhà phân tích hàng hải cho rằng tại thời điểm này ước đến chừng 1,6 triệu đơn vị tương ứng containers hàng hóa trên toàn cầu chưa dỡ hàng được. Quyết tâm của lãnh đạo cao nhất ở một số nước nhằm gỡ bí cho chuỗi cung ứng toàn cầu có thể giúp hàng hóa trên thị trường chu chuyển nhanh hơn. Tuy vậy, tổng giám đốc của một trong những hãng tàu lớn nhất thế giới cho rằng tình trạng thiếu containers rỗng và chỗ trống trên tàu còn phải kéo dài ít nhất đến giữa năm 2022.

Quan sát vụ mùa cà phê thế giới, thời gian đó cũng chính là lúc Brazil ra hàng niên vụ 2022. Đấy sẽ là năm được mùa theo chu kỳ năm này mất năm sau được.

Điểm tin cung-cầu trong tuần

Brazil ráo riết quảng bá cà phê đặc sản

Với sản lượng cà phê ngày càng cao, bình quân mỗi vụ không dưới 3,6 triệu tấn, Brazil đang ráo riết quảng bá và tiếp thị cà phê đặc sản của nước họ. Ngay ngày đầu niên vụ 2021-2022, Brazil tổ chức hàng loạt chương trình cổ vũ tiêu thụ cà phê đặc sản Brazil tại Italia, Australia và Ấn Độ. Chỉ riêng tại Sydney (Australia), một cuộc thao diễn rầm rộ với chừng 7.000 tách cà phê thử nếm đạt chuẩn để tiếp thị cho cà phê “ngon” Brazil. Ngoài ra, Hiệp hội Cà phê đặc sản Brazil đã mở trang “Lịch sử Cà phê đặc sản” để thu hút người tiêu thụ sành điệu hiểu biết thêm về chuỗi cung ứng loại cà phê này.

Tồn kho cà phê tại các nước tiêu thụ giảm

So với lần báo cáo trong bài nhận định tuần trước của NCIF, tồn kho cà phê đạt chuẩn thuộc hai sàn đều giảm: sàn arabica đạt 115.308 tấn so với 116.591 tấn, sàn robusta London tiếp tục giảm xuống còn 120.290 tấn so với tuần trước là 122.180 tấn.

Tồn kho cà phê khả dụng Bắc Mỹ được Hiệp hội Cà phê Hạt Mỹ cho biết tính đến hết tháng 09/2021, lượng cà phê tại các kho cảng đếm được 361.357 tấn, giảm 6.454 tấn so với tháng trước đó.

Tồn kho cà phê đạt chuẩn là cà phê đã có chứng nhận chất lượng của các sàn phái sinh và được quyền đấu giá trên sàn. Tồn kho cà phê khả dụng là cà phê dự kiến đưa ra các nhà máy chế biến, trong đó có cả cà phê tồn kho đạt chuẩn.

Giá cả

Trong bản tin hàng hóa đầu tuần trước, Reuters đưa tin nông dân Colombia lần lửa không thực hiện hợp đồng giao hàng với chừng 1 triệu bao tương đương với 60 nghìn tấn arabica chế biến ướt hay bằng 10% lượng cà phê xuất khẩu của nước này. Chính vì vậy, có lúc giá cà phê arabica New York đã tăng cấp kỳ và kéo giá robusta London lên theo.

Thật vậy, đầu tuần trước, giá arabica ở mức thấp 199,75 cts/lb thì ngay phiên giao dịch sau đó đã chạm mức 218 cts/lb, tăng 18,75 cts/lb hay trên 400 Usd/tấn. Cùng một động thái, giá London từ 2.075 nhảy lên 2.165 Usd/tấn, tăng chớp nhoáng 90 Usd. Hiệp hội Cà phê Colombia phản hồi rằng năm nay cà phê Colombia vẫn được mùa nên nông dân sẽ giao thôi, nhưng sẽ không đúng hạn do giá trên sàn tăng mạnh, mua không ra hàng. Được biết sản lượng cà phê Colombia dự kiến chừng 14,1 triệu bao. Đó là một cách trấn an thị trường. Tuy nhiên, các nhà kinh doanh buộc phải mua lại hàng trên sàn nên thiệt hại về tài chính đối với họ là rất lớn (mỗi tấn thua lỗ chừng từ 300-400 Usd tùy theo mua lại trên sàn kịp hay không).

Thế mà cuối cùng, các mức cao đã xác lập trên hai sàn phái sinh không giữ được lâu vì triển vọng sản lượng mùa 2022 của Brazil được đánh giá rất tốt nhờ lượng mưa tuần qua tại vùng cà phê trọng điểm Brazil là Minas Gerais tăng 393% so với bình quân cùng kỳ nhiều năm.

Giá 2 sàn cà phê tại các phiên về cuối tuần dịu nhanh. Kết quả như sau:

-Sàn New York chỉ còn tăng 2 cts/lb hay 44 Usd/tấn chốt ở 206,25 cts/lb dao động trong vùng 199,75-128 cts/lb.

-Sàn London tăng 5 Usd chốt tại 2.121 Usd/tấn với biên độ 2.165-2.075.

Giá cà phê nguyên liệu cơ sở loại 2, tối đa 5% đen vỡ tại một số nơi biến động không mạnh, từ 40,5 đến 41,3 triệu đồng/tấn. Đến sáng 18/10/21, giá giằng co quanh mức 40,7-41 triệu đồng/tấn.

Giá chào bán cà phê vụ mới quanh mức trừ 230-250 Usd/tấn dưới giá niêm yết tháng 01/2022 sàn London.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 18-22/10/2021:  

Giá trên sàn phái sinh robusta tuần trước chưa chịu tăng sau bao nhiêu lần cố thử mức 2.171, nhưng chỉ dừng lại tại 2.165. Thế mà, đáy 2.094 lại để bị phá và chạm 2.075!

Như vậy, nhìn theo đồ thị của nhà phân tích độc lập Phan Trọng Anh, có thể nói rằng từ một tháng nay, London nỗ lực kiếm đường đi lên và hoàn toàn bất thành nhưng lại tìm cách đi xuống để gặp mức sâu nhất là 2.075.

Phải chăng đó là cảnh báo cho một đợt chỉnh xuống sâu ở bất kỳ thời điểm nào phía trước. Trong tuần này, có lúc nào đó London vỡ vùng 2.075 thì chắc đấy là hướng chọn xuống đến 2.055 và sâu hơn.

Đóng cửa phiên cuối tuần trước tại 2.121 là yếu dù cả tuần có tăng được vài Usd. Yêu cầu phiên đầu tuần ngay lập tức phải qua 2.135 mới chắc chân đi lên. Bằng không, khả năng về tìm 2.100 rồi về 2.050 là chưa nên loại trừ.

Xét về tương tác với New York sau khi mất đỉnh 218 cts/lb để về đóng cửa 206,25 cts/lb, chỉnh giảm vậy là vừa đủ. Khả năng New York tăng lại là có. Nhưng nếu như New York chỉ tăng nhẹ vài ba cts/lb thì vẫn chưa đủ sức để kích robusta lên. Nếu như New York, từ mức này, một vài phiên giá sàn này tăng 5 cts/lb thì mới kích London qua vùng 2.171 để tìm cách thăng hoa.

Từ mức đóng cửa hiện nay 2.121, tăng giảm 50 Usd cho tuần này là 50/50 tức là hoặc lên khu vực 2.171 hay về lại 2.075. Nhưng nếu để mất 2.075 thì chạy xuống tận 2.050.

Các yếu tố ủng hộ hướng tăng: tồn kho cà phê khả dụng vùng Bắc Mỹ và tồn kho đạt chuẩn hai sàn đều giảm.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Việt Nam nên đi hay ở lại với Tổ chức Cà phê thế giới?

Cục Phát triển Cà phê Uganda, nước sản xuất cà phê robusta số 1 tại châu Phi hiện nay quyết định không tham gia Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) từ ngày 01/02/2022. Lý do rời tổ chức này chưa được tiết lộ. Trước đây Tanzania cũng đã chính thức làm đơn rời tổ chức này. Colombia đã từng bóng gió rằng họ cũng không thiết tham gia ICO. Người ta đang lo ngại một khi Uganda rời tổ chức ngành hàng quan trọng trực thuộc Liên hiệp quốc, sẽ kéo theo nhiều nước sản xuất và xuất khẩu cà phê tại châu Phi.

Có lẽ lý do sâu xa là đã rất nhiều lần ICO không thành công trong điều hướng giá cà phê thế giới, ít ra là đủ để bảo đảm sinh kế cho nông dân cà phê cho một nước, khu vực nào đó chứ chưa dám nói toàn cầu. So với Tổ chức Các nước sản xuất dầu thô thế giới (OPEC), vai trò và uy lực của tổ chức bạn vẫn còn rất tốt và hữu ích cho các nước sản xuất và xuất khẩu mặt hàng dầu thô dù thế giới đang chuyển sang thời kỳ phát triển kinh tế “giảm khí thải”, tức ít sử dụng dầu thô hơn.

Tuy nhiên, lý do trực tiếp nhất có thể là Uganda và một số nước muốn tập trung nguồn lực để phát triển cà phê bền vững và đặc sản. Thành viên ICO hàng năm phải đóng niên liễm dựa trên khối lượng xuất khẩu. Là thành viên ICO, mỗi năm nước ta phải đóng trên dưới mươi tỷ đồng. Tuy nhiên, đã từ lâu, nông dân không mấy khi được tiếp cận các thông tin, chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất và kinh doanh cà phê từ ICO thông qua đại diện của ngành cà phê là Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam (Vicofa) . Trong khi đó, phát triển cà phê đặc sản hiện là một hướng đi được nhiều nước chọn lựa kể cả Brazil để tăng tính bền vững và nâng cao giá trị hạt cà phê của từng nước.

Trong khi sinh kế người trồng cà phê quá bấp bênh trong một thời gian rất dài do giá thị trường rớt mạnh và đại dịch Covid-19, thay vì dùng tiền đóng góp của nông dân qua xuất khẩu để nộp niên liễm cho ICO, cần chăng Việt Nam tạm thời nên tính chuyện rút khỏi ICO để tập trung nguồn lực phát triển cà phê đặc sản và các chương trình sản xuất bền vững thiết thân hơn cho nông dân.

Thiết nghĩ đóng góp vì sự phát triển chung cho toàn ngành cà phê thế giới là cần thiết. Nhưng qua hàng chục năm có đi nhưng không có lại, người làm ra hạt cà phê càng ngày càng mất quyền quản lý giá cả thị trường, thậm chí có lúc còn tạo nguy cơ cho sinh kế của người trồng cà phê, thì nên xem lại việc tham gia vào ICO để hàng năm đóng niên liễm cả chục tỷ đồng mà nông dân không hưởng được gì thì có nên tiếp tục hay không.

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 57