(6-5-2017) Thị trường cà phê: một tuần nhìn lại

Giá cà phê nguyên liệu trên thị trường nội địa nhanh chóng hồi phục sau một cơn bán tháo cực mạnh trên sàn kỳ hạn cà phê robusta London, nơi giới kinh doanh cà phê Việt Nam thường sử dụng làm giá tham chiếu.

Tại các tỉnh Tây nguyên, vùng cà phê trọng điểm của cả nước, giá cà phê nhân đã từ 47 triệu đồng/tấn rớt xuống 42 triệu đồng/tấn chỉ trong vòng mươi ngày cuối tháng 4-2017 vừa qua. Tuy nhiên, trong vài ngày giao dịch đầu tháng 5-2017, giá đang tìm cách nâng dần, đến ngày 3-5 đã đạt mức trên 44 triệu đồng/tấn. Đang ngon trớn, giá nội địa lại rớt mạnh trong hai 4 và 5-5-2017 do sàn kỳ hạn bất ngờ quay đầu giảm mạnh.

Nguyên nhân cà phê nội địa mất giá được cho là giới đầu cơ và những người kinh doanh trên sàn kỳ hạn robusta bán thanh lý lượng dư mua hàng giấy cực mạnh, đẩy giá kỳ hạn xuống mức thấp nhất tính từ đầu niên vụ 2016/17 đến thời điểm đó.

Thật vậy, trong tuần cuối tháng 4-2017, giá kỳ hạn robusta London có lúc xuống mức 1905 đô la Mỹ/tấn sau khi bỏ đỉnh 2200 đô la/tấn lập ngay đầu tháng ấy. Giá kỳ hạn đến ngày giao dịch 3-5 có lúc lấy lại được gần 100 đô la/tấn ở mức 2003 đô la/tấn.

Hàng thực và hàng giấy là hai mặt của một thị trường hàng hóa thương phẩm nông sản. Khi sản lượng giảm do một yếu tố nào đó, giá mua bán thường tăng. Bên cạnh đó, giới đầu cơ trên sàn kỳ hạn thường gom “hàng giấy” khi có tin đồn mất mùa. Loại hàng hóa này không phải là hàng thực mà chỉ là những chứng từ có giá, trao đổi mua bán được trên sàn kỳ hạn. Nhưng khi lượng hàng giấy này quá lớn, các tay đầu cơ phải bán tháo một phần hay toàn phần để tạo cơ hội giá thấp mua lại mà không cần biết sản lượng có thiếu hụt hay không.

Thật vậy, khi có tin đồn mất mùa cà phê robusta tại Brazil và Việt Nam, các nhà đầu tư tài chính đã tranh thủ mua gom hàng giấy trên sàn kỳ hạn, nhờ vậy, giá cà phê sàn này tăng từ tháng 3-2016. Thấy giá tăng trên sàn kỳ hạn trong một thời gian dài, nhiều doanh nghiệp trong nước tưởng nhịp tăng bền vững, mua gom giá cao trên thị trường nội địa đến nỗi có khi làm giá trong nước cao hơn giá xuất khẩu. Đấy chính là trở ngại và rủi ro lớn nhất làm cho các doanh nghiệp không thể bán tồn kho giá cao, đành “ngậm” hàng chờ giá và cuối cùng phải chịu thua lỗ.

Trong khi các nhà xuất khẩu trong nước không bán được hàng do giá nội đội giá ngoại, các nhà đầu tư trên sàn hàng giấy đã nhanh chóng bán ra, tranh thủ giá kỳ hạn cao để thanh lý hàng gom giá rẻ từ năm ngoái.

Dù giá kỳ hạn đã phục hồi lại gần 100 đô la/tấn và giá nội địa về mức 44 triệu đồng/tấn, mua bán trong nước chưa lấy lại phong độ thì vào khuya 4-5 sàn London giảm 42 đô la/tấn.

Một số doanh nghiệp tin giá cà phê trong nước và thế giới sẽ về lại mức cũ với đỉnh trên 2250 đô la/tấn. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho biết dựa trên một nghiên cứu gần đây, giá kỳ hạn cà phê tháng Năm hàng năm tính từ 2012 đến 2016 thường là giai đoạn có giá thấp nhất do các quỹ đầu tư bán bớt hàng giấy trên sàn cộng với Brazil và Indonesia vào vụ mới, cà phê bán ra nhiều.

Chốt phiên cuối tuần, giá kỳ hạn robusta đạt mức 2002 US$ và sàn arabica New York lên 135.70 cts/lb, so với tuần trước, London tăng 56 US$ và New York dương 2.30 cts/lb.

Giá cà phê nội địa cuối tuần dự kiến giao dịch quanh mức 44 triệu đồng/tấn nhưng trầm lắng vì nhiều người đang chờ giá cao hơn mới xuất kho.

Nguyễn Quang Bình

Hits: 47