06/01/2022 Nhận định giá cà phê 06/01/2022 Giá robusta tăng lơ lửng, thị trường trong nước ngập ngừng khó lên

Diễn biến hai sàn phái sinh cà phê trước Tết Dương lịch: Tình hình lạm phát còn theo chân giá cà phê phái sinh

Nếu như lạm phát trong năm 2021 là yếu tố có ảnh hưởng đến thị trường và giá cả nhiều nhất, thì tác động của nó sẽ còn nối liền năm trước đến năm 2022, không chỉ về mặt tiêu cực mà cả tích cực.

Giá sinh hoạt và nguyên vật liệu tăng cao ảnh hưởng không chỉ đến giá thành sản xuất đối với nông dân, các nhà máy chế biến mà ngay cả…người tiêu dùng. Khỏi cần phải bàn chuyện ngân hàng trung ương nhiều nước đã tung một khối lượng tiền đến bao nhiêu để cứu vãn tình hình kinh tế suy sụp do dịch Covid-19 kéo dài, kết hợp với khủng hoảng logistics, các kênh phân phối ách tắc, nhu cầu tiêu dùng tăng thất thường vì những đợt phong tỏa chống dịch Covid-19, tiền cứu trợ ra nhiều nhưng cung ứng hàng hóa đứt khúc…gây nên tình trạng lạm phát chưa từng thấy từ hàng chục năm nay.

Chỉ số giá tiêu dùng Mỹ tăng lên mức cao nhất tính từ bốn thập kỷ nay, giá thành sản xuất tại nước này cũng tăng mức cao kỷ lục. Lạm phát tại vùng sử dụng đồng Euro (eurozone) cũng tăng gần 22% so với năm 2020, mức cao chưa từng thấy. Tại Trung Quốc, cả năm 2021 giá thành sản xuất tăng 13%. Giá năng lượng, khí đốt tăng cao đã làm giá thành phân bón tại nguồn tăng ít nhất 50%. Ở Việt Nam, giá xăng dầu, phân bón, tiền công lao động, giá cước vận tải cũng tăng chóng mặt.

Ngoài việc chi phí sinh hoạt hàng ngày và giá lương thực thực phẩm tăng, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông sản cứ tăng đều. Ngành nông nghiệp trong đó có ngành cà phê sẽ còn phải đối mặt với những vấn đề này trong năm mới.

Như đã trình bày, ngoài các tác động tiêu cực trên, lạm phát cũng tạo nên những yếu tố tích cực không kém. Giá nông sản trên các sàn hàng hóa phái sinh tăng đều khắp, nhiều mặt hàng thương phẩm tăng lên mức cao nhất tính từ chục năm nay.

Tính cả năm 2021, hiệu suất đầu tư trên sàn robusta London tăng 899 Usd/tấn tăng 61,11% và arabica New York tăng 89,85 cts/lb hay 1981 Usd/tấn tăng 65,94%.

Nhưng giá cà phê trong nước chỉ ngang bằng với mức của năm 2017 quanh 42 triệu đồng/tấn. Giá cà phê xuất khẩu cơ sở loại 2, tối đa 5% đen vỡ ở mức trừ 450-500 Usd/tấn dưới giá niêm yết tháng 03/2022 sàn London, mức thấp nhất lịch sử nay đã được người bán chấp nhận.

Điểm tin cung-cầu trong tuần

Khởi động Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2022

Nhằm chuẩn bị tốt cho Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2022 (Vietnam Amazing Cup 2022), chi hội cà phê đặc sản thuộc Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã tổ chức nhiều khóa tập huấn chế biến cà phê chất lượng cao tại tỉnh Daklak, Lâm Đồng và một số vùng trồng cà phê lớn trong nước nhằm một mặt nâng cao chất lượng cà phê, mặt khác chuẩn bị cho nhà vườn nào có ý hướng nâng cao giá trị hạt cà phê thông qua sản xuất và chế biến bền vững, tạo sản phẩm tham gia kỳ thi và kinh doanh cà phê đặc sản. Cuộc thi sẽ kéo dài từ tháng 03 để đến 30/04/2022 công bố kết quả chung cuộc sau đợt kiểm tra thử nếm của các chuyên gia trong và ngoài nước.

Hiệp hội Cà phê & Ca cao Việt Nam (Vicofa) có chủ tịch mới

Ngày 28/12/21, Vicofa tổ chức Đại hội tổng kết công tác nhiệm kỳ IX (2017-2020) và bàn phương hướng nhiệm kỳ X (2021-2024). Sau 30 năm thành lập, Vicofa đã góp phần quan trọng tăng thị phần cà phê xuất khẩu Việt Nam, nay ước đạt 18%. Với tình hình mới, đại hội xét thấy người tham gia ban chấp hành cần phải chuyên nghiệp hơn, nên yêu cầu ban lãnh đạo hiệp hội phải mới, trẻ và năng động hơn, đã từng có kinh nghiệm sản xuất và kinh doanh cà phê. Đại hội đã bầu ông Nguyễn Nam Hải, Tổng giám đốc Công ty CP Giám định cà phê và hàng hoá XNK làm Chủ tịch với 4 phó chủ tịch hiệp hội.

 

Mục tiêu hoạt động của Vicofa được nêu trong đại hội X là “duy trì vị trí của Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê nhân lớn thứ hai thế giới; tăng xuất khẩu cà phê rang xay hòa tan và nâng kim ngạch xuất khẩu lên 5-6 tỷ USD vào năm 2030 với phương châm “Nâng cao giá trị bền vững cho ngành cà phê Việt Nam”.

Hàng nông sản Việt Nam ách tắc tại biên giới Việt-Trung

Hàng ngàn xe tải chở nhiều mặt hàng nông sản bị ách tắc tại biên giới Việt-Trung do Trung Quốc áp dụng biện pháp thắt chặt lưu thông để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan. Không chỉ tại khu vực biên giới hai nước, nhiều container cà phê xuất khẩu theo đường chính ngạch cũng phải quay về với cùng lý do nêu trên. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã điện đàm với quan chức đồng nghiệp Trung Quốc để trao đổi về biện pháp, phương hướng lưu thông và trao đổi hàng hóa giữa hai bên. Dù vậy, thiệt hại do việc ngăn chặn lưu thông nông sản từ Việt Nam sang đang gây khó khăn đáng kể cho phía Việt Nam nhất là khi tết âm lịch đang cận kề.

Tồn kho cà phê đạt chuẩn tiếp tục giảm

So với lần báo cáo trong bài nhận định tuần trước của NCIF, tồn kho cà phê đạt chuẩn đều mất mốc 100 nghìn tấn để còn cụ thể như sau: sàn arabica giảm còn 92.465 tấn so với 92.843 tấn, sàn robusta London tiếp tục giảm xuống còn 98.720 tấn so với tuần trước là 99.250 tấn.

Giá cả

Giá hai sàn cà phê phái sinh có kết quả ngịch chiều: London tăng nhưng New York giảm. Tồn kho đạt chuẩn trên cả 2 sàn đều rớt xuống dưới mức 100.000 tấn trong ngày kiểm đếm cuối cùng của năm 2021. Chính nhờ vậy, giá London được giữ vững trong khi sàn New York chịu những đợt thanh lý hợp đồng dư mua khá mạnh.

Đóng cửa phiên cuối tuần cũng là ngày giao dịch cuối năm, giá robusta chốt tại 2.370 Usd/tấn, cả tuần tăng 17 Usd với biên dộ dao động 2.384/2.325; giá arabica đứng tại 226.10 cts/lb giảm 5.10 cts/lb hay 112 Usd/tấn với biên độ 229.90/224.10.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 03-07/01/2022: Cần một phiên đóng cửa trên vùng 2.381-2.384.

Tuần qua, giá cà phê New York đã nhiều lần chạm vùng 229+cts/lb nhưng vẫn không vượt được để chạm 230. Thị trường cho rằng do lượng hợp đồng dư mua trên sàn này đang lớn, tính đến ngày 21/12/21 các quỹ đầu tư tài chính đang giữ trên 50.000 hợp đồng.

Lượng hợp đồng dư mua cùng kỳ báo cáo trên sàn robusta lớn không thua gì sàn New York, với 46.190 hợp đồng, nhưng giá sàn robusta vẫn kiên trì đứng vững và tăng nghịch chiều với New York như đã thấy tuần trước.

Dù đóng cửa cuối năm ở vùng cao 2.370, chốt kháng cự mạnh chỉ cách đó mươi Usd, tại 2.381/2.384 với 2 lần lặp lại tại 2.381. Cho nên, nếu như có một lực mua cực mạnh đẩy giá tháng 03/22 qua đóng cửa trên vùng này, thì khả năng London vượt khỏi 2.400 để lên 2.411 là rất lớn như đồ thị của nhà phân tích độc lập Phan Trọng Anh trình bày ở trên.

Về hướng xuống, nếu như không qua nổi 2.381, London có thể quay đầu về vùng thấp. Một khi mất 2.345, thì yếu tố tích cực bị hóa giải một phần để nhận thử thách quanh vùng 2.325, tức điểm gặp Fibonacci tại tỷ lệ 161,80% và là đáy lập tuần trước.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Cứ phải lo sức ép bán ra từ các phía

Giá cà phê trong nước đang quanh mức 41,5-42 triệu đồng/tấn tại các vùng sản xuất. Hàng xuất khẩu đưa về các kho gần cảng cộng thêm tiền chuyên chở nên trong khu vực 42,2-42,5 triệu đồng/tấn.

Lượng hàng cà phê vụ mới 2021-2022 đang ra ngày càng nhiều. Sức mua có thể bị khựng lại do có tin các hãng tàu chưa muốn nhận hàng đi Trung Quốc vì lo ngại các thủ tục nhập khẩu mới. Tuy nhiên, nhiều nhà nhập khẩu tại châu Âu đã bắt đầu thuê tàu chuyến (chở hàng rời) thay cho tàu container hiện giá cước vẫn còn quá cao và chi phí lấy container và làm hàng quá mắc.

Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nhâm Dần. Thị trường trong nước có nhộn nhịp chăng, thì cũng chỉ trong vòng 3 tuần nữa, sau đó các cơ sở chế biến đóng cửa nghỉ tết. Chính vì thế, nếu lực bán không nhiều trước tết thì sau kỳ nghỉ vẫn còn tiếp tục. Như thế, dự đoán giá cà phê trên thị trường nội địa sẽ không có đột biến tăng từ nay đến sau tết.

Vấn đề cần tính trước là nếu như các quỹ đầu tư tài chính thanh lý hợp đồng dư mua trên sàn như trường hợp trên sàn arabica New York tuần vừa rồi, gặp lúc cà phê mùa mới đang ra nhiều, thì giá cà phê robusta dù tăng trên sàn phái sinh, cũng không thể kỳ vọng giá nội địa tăng.

Nguyễn Quang Bình

Hits: 101