Ngày “Thứ Sáu Đen” bắt nguồn từ Hoa Kỳ, Thứ Sáu Đen là ngày bán hàng và giảm giá lớn diễn ra một ngày sau kỳ nghỉ lễ Tạ ơn, đánh dấu sự khởi đầu của mùa mua sắm cuối năm. Cái tên “Thứ Sáu Đen” gắn liền với việc các nhà bán lẻ chuyển từ “đỏ” (lỗ) sang “đen” (lợi nhuận) nhờ doanh số bán hàng khủng trong ngày này.
Sự kiện bắt đầu từ những năm 1960 tại Mỹ và nhanh chóng lan rộng khắp thế giới, trở thành một trong những ngày mua sắm lớn nhất trong năm với những ưu đãi hấp dẫn và cơn sốt mua sắm. Tiếp theo Thứ Sáu Đen là Thứ Hai Điện Tử, một ngày giảm giá trực tuyến, do đó kéo dài thời gian khuyến mại này.
Với giá cà phê kỳ hạn và nguyên liệu tăng khắp nơi vào đầu niên vụ cà phê thế giới và Việt Nam, chắc chắn các chuỗi quán và nhà rang xay không thể chuyển sang “đỏ”, thậm chí tăng giá ly cà phê vẫn chưa thể chuyển thành “đen”. Giới kinh doanh cà phê đang ngồi trên đống lửa khi giá kỳ hạn cà phê rung lắc quá mạnh đầy rủi ro và nguy hiểm, tạo nên những bất trắc trong kinh doanh dù họ cố gắng rất nhiều để tiến đến một nền thương mại cà phê bền vững.
Ai muốn gây nên thất thường trên giá kỳ hạn để trục lợi? Người mua bán cà phê hàng thực ư? Chắc chắn là không. Vì người mua muốn siết người bán…thì “trẫm chết khanh cũng băng hà”.
Thị trường cà phê nội địa vẫn chưa hết căng thẳng khi chúng ta chưa chịu nhận diện rõ ai là người được lợi, giới đầu cơ tài chính trên sàn hay người mua bán hàng thực (xuất-nhập khẩu)? Ai là người một mặt nói ủng hộ sản xuất cà phê bền vững, một mặt thúc các nước gia tăng diện tích và sản lượng để dành quyền phát giá trong vài năm tới đây?
Hits: 378
Be the first to comment