Dù giá kim loại vàng, đôi khi được sử dụng như nơi trú ẩn vốn và thay cho đồng USD, tuần qua mất 0,69%, nhưng hầu hết các sàn nông sản thì ngược lại. Giá lúa mì tăng 4,99%, ngô (bắp tăng 7,07%, đậu tương (nành) tăng 4,33%, bông vải tăng 1,60%, cà phê arabica tăng 10,72% và robusta tăng 2,38%.
Thời tiết cực đoan đang hoành hành khắp nơi, ngay ở những vùng sản xuất quan trọng. Hạn hán và nắng nóng hoành hành tại Châu Âu, Mỹ và Brazil, mưa lụt tại Mỹ và dự báo La Nina đem mưa lũ về các nước Đông Á, cộng với nỗi lo lạm phát kéo dài tại Mỹ và các nước đã kích hoạt giá nông sản thương phẩm tăng hay chí ít là các nhà kinh doanh phải cơ cấu yếu tố lạm phát vào giá nông sản.
Như vậy, mối lo lạm phát kéo dài là có thật. Cho nên, không còn cách nào khác Fed phải nói thẳng ra rằng phải dùng chính sách tiền tệ cứng rắn để hạ tỷ lệ lạm phát càng nhanh càng tốt. Đương nhiên, quá trình hạ lạm phát không chỉ dừng tại những tháng cuối năm 2022 mà có thể kéo dài đến năm sau.
Quá trình này cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý kinh doanh của giới đầu tư. Họ lo lắng không chỉ vì chi phí, tiền lương tăng cao mà quan trọng là phải trả lãi cao cho hàng mua trữ. Chính vì vậy mà ta thấy đợt “vắt giá” (hay cấu trúc nghịch đảo), tức giá tháng giao dịch gần cao hơn tháng xa…kéo dài chưa từng thấy. Các nhà kinh doanh ưu tiên mua giá cao cho hàng giao ngay nhưng độ cách biệt giữa các tháng sau so với tháng giao dịch trước vẫn không mấy như trường hợp giá tháng 11/22 sàn London cách biệt tháng 11/23 chỉ 79 USD/tấn, mỗi tháng chi phí chưa đến 7 USD/tấn. Điều này làm cho ta thấy rằng do ưu tiên mua hàng giao ngay mà để (tạm) quên kế hoạch dài ngày. Cho nên, sức mua xa giảm nhiều ảnh hưởng đến lượng mua bán hàng thực của các nhà xuất nhập khẩu.
Cách kinh doanh ấy đã làm cho giá cà phê cũng như các sàn nông sản khác tăng mạnh. Nhưng sẽ rất không bền vững. Cách kinh doanh này rất phụ thuộc vào tâm lý lo lắng của giới đầu tư tài chính và đôi khi rất tùy hứng.
Như vậy, có thể thấy rằng giá các sàn phái sinh cà phê và một số nông sản khác khi lên mạnh, khi đổ sập một cách nhanh chóng và khó lường đối với ai có kế hoạch mua bán dài hạn. Vì chỉ cần ai đó sẩy tay, quyết định sai, là có thể phá sản như chơi. Cho nên, sự nối kết thông tin, bàn bạc về tình hình thương trường cần thường xuyên và liên tục hơn, kịp thời hơn để tránh được rủi ro cho riêng mình và cho cả ngành cà phê.
Lượng tồn kho đạt chuẩn trên sàn trở thành yếu tố quyết định cho giá giao dịch hàng ngày trên các sàn. Giá quay sang tích cực nếu như lớp tồn kho này giảm nhanh, ngược lại suy sụp nhanh nếu cà phê đếm trong kho tăng nhanh và đều.
Đó cũng là trường hợp của giá cà phê tuần qua trên 2 sàn. Giá trong nước cũng nhún nhảy giữa mức cao và thấp nhất đến 1 đến 2 triệu đồng mỗi tấn.
==
NGUYỄN QUANG BÌNH
0949393283
Lưu ý bạn không được quyền trích đăng bài vở trên trang này vì đã có bản quyền. Muốn trích đăng, chép lại, mong bạn lịch sự xin phép tác giả. Một khi trích đăng, sao chép, nhất thiết phải ghi nguồn và tên tác giả. Bài này không có dụng ý sử dụng để kinh doanh dù bất kỳ dưới hình thức nào.
Mọi thắc mắc xin gọi cho điện thoại theo số 0949393283. Xin lỗi không sử dụng tin nhắn và hội thoại trên các mạng xã hội như Zalo, FB, Viber…
Hits: 202