27/12/2024 Sản lượng và xuất khẩu cà phê thế giới niên vụ 2024/25 và những vấn đề đặt ra.

Tàu thủy trên sông Sài Gòn - Ảnh NQB

Trên thị trường có rất nhiều con số dự báo về sản lượng và khối lượng xuất khẩu. Nhưng người tham gia kinh doanh hàng thực (xuất nhập khẩu) và hàng giấy (sàn phái sinh/kỳ hạn) trên thế giới thường tin nhất vào dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).

Không phải là các con số của đơn vị khác không đúng, nhưng do thường là rất chủ quan, khi giá xuống thì nói thị trường dư thừa, khi giá lên thì bảo thiếu hụt và mất mùa. Chính vì vậy, con số do USDA phát hành là trung dung. Giá lúc nào đó sẽ chỉnh tăng hay giảm nếu chệch đi con số dự báo của USDA. Thí dụ, nói Brazil năm 2025 xuất khẩu giảm, chỉ 40,5 triệu bao nhưng nếu các báo cáo của ICO và Brazil có mòi nhiều hơn, ắt giá sẽ giảm và ngược lại.

Nhờ USDA có người cắm tại các nước sản xuất, có đủ năng lực và công nghệ để đánh giá bao trùm sản lượng và số lượng xuất khẩu của một nước nào đó.

Dựa trên dự báo 2024/25 của USDA, ta thấy sản lượng và lượng xuất khẩu 2024/25 toàn cầu đều cao hơn niên vụ vừa qua (xin theo dõi bảng kê phía dưới). Năm 24/25 sản lượng cà phê thế giới tăng gần 6 triệu bao và xuất khẩu tăng gần 3 triệu bao so với 23/24.

Sản lượng và xuất khẩu cà phê hạt toàn cầu và một số nước niên vụ 23/24 và dự báo 24/25 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (tính ‘000 bao)

Nước xuất khẩu

SL 24/25 XK 24/25 SL 23/24 XK 23/24

Tồn kho cuối kỳ

Toàn cầu 174.855 122.331 168.004 119.753 20.867
Việt Nam 30.100 24.400 27.500 22.600 939
Brazil 66.400 40.500 66.300 43.100 1.240
Colombia 12.900 (A) 10.900 12.760 10.700 685
Indonesia 10.900 6.500 8.105 4.265 550
Uganda 6.400 6.300 6.400 6.300
Ấn Độ 6.200 4.400 6.060 4.360
Bờ Biển Ngà 1.400 (R) 1.325

Đặc biệt ai nói gì thì nói như một công ty nọ đoán Brazil giảm hàng triệu bao do hạn hán, rồi Brazil và Việt Nam mất mùa cà phê, thì USDA chỉ tăng hay hạ con số ước báo cũ của họ cho 24/25 của 2 nước hàng đầu xuống theo tình hình thực tế mới như họ thấy.

Thường rất nhiều bản tin, trong đó kể cả blog bạn đang đọc, đều báo một tin về tăng giảm sản lượng, hay xuất khẩu, hay giá thị trường mà không có một cái nhìn tổng hợp đặng bạn so sánh, điều hòa con số giúp bạn có khái niệm tổng thế. Thì bài này cố gắng giúp bạn trong nhất là khi khá rảnh rỗi trong dịp nghỉ lễ.

Nếu lấy con số tròn sản lượng toàn cầu là 175 triệu bao, chúng ta có 98 triệu bao arabica và 77 triệu bao robusta. So với 23/24, thì 24/25 sản lượng arabica tăng 1,5 triệu bao nhưng robusta tăng đến gần 5,5 triệu bao. Lượng tăng trong của robusta nhờ đóng góp tăng sản lượng từ Mexico, Tanzania, Thái Lan và một số nước khác không thấy kể tên.như Lào, Campuchia…

Nói được mùa ở đây, không nhất thiết có nghĩa là giá 2 sàn kỳ hạn London và New York giảm. Giá kỳ hạn tăng hay giảm do nhiều tác động khác chứ không chỉ là con số sản lượng và xuất khẩu nhỏ hay to. Bí ẩn và điều vi diệu của thị trường kỳ hạn và giá cà phê xuất khẩu nằm ở chỗ khác. Tuy nhiên, nếu tính trên cung-cầu mà thôi, thì diễn biến giá rất khó lường, khi ta cầu giá tăng thì nó giảm, khi tưởng giá sẽ giảm thì nó tăng. Bí hiểm quá phải không?.

Giá cà phê khắp nơi đang ở mức cao. Nhưng nếu vì một yếu tố nào đó, như khi đầu cơ tài chính trên sàn giật mình thấy mấy bữa nay mình ăn đủ rồi…thôi tháo chạy…chẳng hạn, thì bấy giờ giá rất bất thuận và cũng khi đó nhiều bản tin về mất mùa cà phê cũng từ từ rút khỏi các trang báo và mạng xã hội.

Tất cả các động tác làm cho giá lên hay xuống nay không lấy yếu tố cung-cầu để tham chiếu. Chuyện ấy xưa lắm rồi. Nhiều tay trùm kinh doanh cà phê quốc tế năm vừa qua thiệt hại tiền tỷ USD cũng do chăm chăm vào phân tích cung-cầu truyền thống trong đó không ít nhà xuất khẩu Việt Nam cũng làm theo thói quen ấy. Bây giờ giá cà phê theo cảm hứng của giới đầu cơ tài chính, có tiền, vì bạn biết, có nhiều phiên, không có hạt cà phê thực nào bán lên sàn mà chỉ mua bán thông qua sàn kỳ hạn hàng giấy, không giao không nhận hạt cà phê thực nào cả.

Trừ Ấn Độ, nước đã trải nghiệm quá nhiều mất mác cho các ngành hàng hóa xuất khẩu chủ lực lấy tham chiếu từ các sàn kỳ hạn, nên họ đã tạm thời cấm giao dịch hàng giấy cho những mặt hàng liên quan, vì thị trường phái sinh gây hỗn loạn về giá cả và cấu trúc, hệ thống xuất khẩu trong nước.

Số còn lại tại nước khác, kể cả Việt Nam, một hệ thống đại lý kinh doanh của các sàn kỳ hạn vẫn còn nhiều như nấm sau mưa, nên thời gian qua, đã hưởng được hồng ân về giá từ các sàn này. Và giá cà phê được hưởng đôi khi như không tưởng, không ngờ.

Giá xuất khẩu và nội địa không còn theo giá kỳ hạn lẫn khi nó lên lẫn lúc nó xuống và phá banh cấu trúc giá và hệ thống xuất khẩu của mặt hàng chiến lược trên 5 tỷ USD vào năm 2024.

Các nhà xuất khẩu và giới kinh doanh nói chung cần có phản ánh và tham mưu tức thời lên cấp thẩm quyền để họ có biện pháp lành mạnh hóa thị trường dù bây giờ ta đang thấy giá lên, nhưng biết đâu mai rày giá xuống như trường hợp hồ tiêu lúc tăng trên 200 triệu đồng/tấn khi giảm 40 triệu đồng dưới giá thành…Bấy giờ nhiều nhà vườn hồ tiêu bỏ hoang, nhiều gia đình trốn chạy về các khu công nghiệp kiếm việc làm qua ngày…

Dù sao cũng rất mong giá cà phê tăng và đứng ở mức cao thế này. Nhưng cũng phải có lúc “đờn căng quá dễ đứt dây!”

==

NGUYỄN QUANG BÌNH

0949393283
Lưu ý bạn không được quyền trích đăng bài vở trên trang này vì đã có bản quyền. Muốn trích đăng, chép lại, mong bạn lịch sự xin phép tác giả. Một khi trích đăng, sao chép, nhất thiết phải ghi nguồn và tên tác giả. Bài viết này hoàn toàn miễn phí với tâm niệm người viết nỗ lực chuyển tải những tin tức mới nhất về thị trường và những tác động có thể ảnh hưởng đến thị trường cà phê trong thời gian gần cũng như xa. Nên nó hoàn toàn không có dụng ý sử dụng để kinh doanh dù bất kỳ dưới hình thức nào.

Mọi thắc mắc xin gọi cho điện thoại theo số 0949393283. Xin lỗi không sử dụng tin nhắn và hội thoại trên các mạng xã hội như Zalo, FB, Viber…

 

 

 

Hits: 216



Be the first to comment

Leave a Reply