(26-2-2018) Kỹ thuật thị trường cà phê: áp lực chốt giá bán tháng 03-18 vẫn còn

Trừ các ngày sau Tết Mậu Tuất, cụ thể vào ngày 16 và 20/02/18 giá dao động khá mạnh chủ yếu do giới kinh doanh trên sàn cần làm giá để giải quyết các hợp đồng quyền chọn, sau đó giá kỳ hạn robusta London có 3 phiên liên tiếp âm khi đóng cửa. Tuy nhiên, giá sàn này đã không muốn quay về 1733, là mức đáy trong kỳ chứ chưa tính đến về các điểm thấp hơn như 1720/1680…Nếu lên khỏi 1791, hướng tăng kỳ vọng là 1820/1830, còn dưới 1733, khả năng London tìm về dưới 1720 và 1700 (xem hình trên).

Dựa trên các dữ kiện trên, có thể nói rằng bao lâu giá London cơ sở tháng 05/18 không vượt khỏi khung và có giá đóng cửa ngoài khung 1791 và 1733 thì giá sàn này vẫn còn vững trong khu vực ấy.

Nói thêm về các yếu tố tích cực và tiêu cực cho tuần này kết thúc vào ngày 02/03, ta thấy như sau: những ngày đầu London sẽ chịu áp lực chốt bán hàng thực lẫn hàng giấy do ngày thông báo giao hàng tháng 03/18 quá cận kề (01/03) nên rất có thể giá khó tăng đột biến trong thời gian trước ngày 28/02. Nếu có chăng, đợt tăng sẽ đến trễ nếu như sức ép bán xảy ra cực mạnh trong thời gian đầu. Trong trường hợp các nhà xuất khẩu không chốt bán mà xin người mua chuyển sang tháng sau, áp lực “dư mua” của những hợp đồng xuất khẩu cần chốt bán sẽ tiếp tục làm nặng nề giá kỳ hạn cho đến tháng 05/18 hay xa hơn nữa. Về mặt tích cực, hiện tượng vắt giá tức giá tháng 03/18 cao hơn tháng 05/18 là 42 Usd/tấn, hy vọng đó sẽ làm đầu tàu kéo các tháng sau tăng theo một khi giá tháng 03/18 muốn kéo dài hiện tượng này.

Nhiều người hy vọng rằng tình hình “vắt giá” còn kéo dài do tồn kho đạt chuẩn cà phê kỳ hạn đang hao dần tại các kho do sàn London chỉ định. Tính đến hết ngày 21/02, tồn kho cà phê robusta đạt chuẩn London chỉ còn 90.520 tấn.

Hits: 66