Chuyện đồng USD
Lãi suất điều hành đồng USD tăng 0,25% ngay tại lần họp của Ủy ban kinh tế-tài chính của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào giữa tuần trước. Đấy cũng là lần tăng lãi suất đầu tiên tính từ tháng 12/2018 đến nay. Đấy cũng là dấu hiệu chấm dứt một thời doanh nghiệp và người dân vay tiền vừa dễ vừa rẻ sau khi Fed thu hồi nhanh lượng vốn cung ứng để “cấp cứu” cho nền kinh tế trong khủng hoảng y tế toàn cầu do đại dịch Covid-19 với chương trình kích cầu gồm 120 tỷ USD/tháng.
Fed báo trước rằng sẽ còn chừng 6 lần tăng nữa trong năm nay. Như vậy xu hướng khắc chế lạm phát đã có lộ trình khá rõ cho một thời gian dài từ quý 2 năm nay đến hết năm 2023. Vấn đề còn lại là tăng với tỷ lệ bao nhiêu phần trăm, nhẹ hay mạnh tay, thì từng lúc thị trường sẽ có phản ứng theo các quyết định ấy của Fed.
Câu chuyện của đồng USD không chỉ dừng tại đó. Trừng phạt của Mỹ lên nền kinh tế Nga, nhiều đồng minh theo Mỹ cũng phong tỏa tài khoản của các đại gia người Nga đang trở thành bài học cho một số nước khác, nhất là Trung Quốc. Người ta thấy rằng nếu như phụ thuộc vào đồng USD càng nhiều, đòn trừng phạt càng mạnh, nền kinh tế càng dễ suy sụp. Trung Quốc, Nga và một số nước hình như đang nắm bắt cơ hội chiến tranh Nga-Ukraine để “thoát đồng USD”. Dĩ nhiên không phải ngày một ngày hai là thoát được ngay. Nhưng nhìn giá trị đồng USD chòng chành mạnh trong thời dầu sôi lửa bỏng, khi Nga viện đồng Nhân dân tệ để giải quyết trước mắt chuyện thanh toán của người dân Nga đang du lịch, làm ăn rải rác trên thế giới, thì chuyện loại Nga ra khỏi hệ thống SWIFT đương nhiên gây khó khăn cho Nga mà không khéo “gậy ông đập lưng ông”.
Đồng USD trong những ngày cuối tuần trước dao động mạnh và bị mất giá nhanh. Đây cũng là một rủi ro cần lường trước khi giá trị đồng USD còn ảnh hưởng lớn đến giao dịch hàng hóa thương phẩm trong đó có cà phê.
Giá thành sản xuất cà phê Brazil có ý nghĩa gì với cây cà phê Việt Nam?
Cả hai nước tham chiến trong chiến tranh Nga-Ukraine đều phát lệnh ngưng xuất khẩu phân bón. Tại hợp tác xã (HTX) xuất khẩu cà phê lớn thứ nhì của Brazil là Minasul, nhu cầu tiêu thụ phân bón từ Nga và Ukraine rất lớn. Chỉ trong hai ngày rao bán khi cuộc chiến Đông Âu bùng nổ, lượng phân bón trong vùng bán ra bằng cả tháng 01/2022. Người trong HTX nói rằng họ không thể mua kịp so với nông dân trồng các loại cây khác như đậu tương, ngô, lúa mì…vì vườn cà phê bấy giờ đang gặp lúc hanh khô, không thể bón phân được. Không chỉ tại Brazil, vùng cà phê Việt Nam cũng có thể gặp trường hợp tương tự. Chưa nói thiếu nước, nếu như thiếu phân bón, sản lượng cà phê niên vụ tới tại hai nước cung ứng lớn sẽ giảm mạnh do cây cà phê thiếu dinh dưỡng, nhất là năm 2023, Brazil lại vào chu kỳ năm mất mùa.
Tại HTX sản xuất robusta Cooabriel thuộc vùng Sao Gabriel da Palha của bang Espirito Santo, giá thành sản xuất tăng cao chưa từng thấy. HTX so sánh rằng nếu như năm 2021 giá thành sản xuất robusta là 733 USD/tấn thì trong năm 2022 đã lên 1.700 USD/tấn, chủ yếu do giá phân bón tăng mạnh. Không như cây cà phê Việt Nam thường phải chịu chi phí tưới rất lớn, các vùng cà phê Brazil thường không chịu chi phí này. Nói vậy để thấy rằng nếu giá cà phê Việt Nam bán dưới 2.000 USD/tấn, nhà nông có thể bị thua lỗ và dẫn đến bỏ bê chăm sóc khi giá xăng dầu và phân bón tăng cao.
Hiện nay, giá chào mua xuất khẩu vẫn ở mức trừ 240 USD/tấn FOB, có nghĩa rằng nếu lấy giá đóng cửa hiện nay là 2.165 trừ cho 240 USD/tấn, chỉ ở mức 1.925 USD/tấn chưa cộng phí làm hàng và các loại phí khác.
==
NGUYỄN QUANG BÌNH
0949393283
Lưu ý bạn không được quyền trích đăng bài vở trên trang này vì đã có bản quyền. Muốn trích đăng, chép lại, mong bạn lịch sự xin phép tác giả. Một khi trích đăng, sao chép, nhất thiết phải ghi nguồn và tên tác giả. Bài này không có dụng ý sử dụng để kinh doanh dù bất kỳ dưới hình thức nào.
Mọi thắc mắc xin gọi cho điện thoại theo số 0949393283. Xin lỗi không sử dụng tin nhắn và hội thoại trên các mạng xã hội như Zalo, FB, Viber…
Hits: 227
1 Trackback / Pingback
Comments are closed.