(21/9/2018) Đối đầu thương mại và cái lý của TT Trump

nguyễn quang bình

Đối đầu thương mại và cái lý của TT Trump

Nguyễn Quang Bình

Chát chúa, bốc đồng, tính khí bất chừng khó đoán, đó là những đặc tính tâm lý mà dư luận thường gán cho Donald Trump, vị TT thứ 45 của Mỹ. Đến khi Bob Woodward ra cuốn Fear: Trump in the White House rồi thêm bài báo nặc danh đăng trên tờ New York Times, bấy giờ thiên hạ mới có điều kiện tìm hiểu và biết rõ thêm về ông.

Nhưng nếu cứ nhìn Trump theo lăng kính ấy để rồi đánh giá ngài tổng thống thế này thế kia có khi dễ lệch lạc, thậm chí không thấy hết hành động ‘lõi’ của ông.

Như trong chuyện một TT Trump quyết phá bỏ những gì vị tiền nhiệm Barack Obama đã lập dựng nên thì phải thấy ông rất kiên trì và dễ biết trước, thế mà gọi là ‘bất chừng khó đoán’ sao được! Hay như ông liên tục quyết định để Mỹ rút khỏi tổ chức quốc tế này, rời hiệp định đa biên kia…như trong cùng một mạch chính sách của ông, thì khoan nói Trump thất thường.

Hay là niềm tin mãnh liệt về sức mạnh của nước Mỹ, luôn luôn được Trump đưa lên hàng đầu. Tất cả các chính sách của ông từ ngày về làm chủ Nhà Trắng đến nay đều dựa trên ‘triết lý’ ấy dù có khi hiệu quả của chính sách chưa chứng minh được tính tích cực và thực hiện có khi vụng về nên bị người ta thấy như đi ngược mục tiêu đặt ra.

Trứng không dám chọi đá

Ngay như trong lãnh vực thương mại quốc tế, D. Trump thoạt đầu rất quan tâm đến Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO). Lãnh tụ các nước ai mà chẳng thế, Trump cũng vậy thôi. Nhưng cái khác của Trump là khi tham gia hoạt động của tổ chức này, ông tìm cách dùng nó làm sao để chứng minh cái tài năng thương thuyết của mình,  làm mọi cách để thiên hạ phải ‘tâm phục khẩu phục’ cái tài ấy của ngài tổng thống. Kiên trì với khẩu hiệu khi ứng cử “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” với chính sách bảo hộ ‘trước tiên vì nước Mỹ’, dựa trên sức mạnh Mỹ có sẵn, Trump dùng thủ thuật ‘chia bó đũa’. Ông thích thương thuyết các hiệp định song phương với từng nước riêng lẻ hơn là đa biên, nay mới hiểu tại sao D. Trump thích thương thuyết ở phòng riêng hơn là đại sảnh, vì cơ hội thành công ở bàn thương thuyết riêng cao hơn nhiều so với các vòng đàm phán đại trà.

Ngoài ra, Trump còn chỉ trích WTO nói chung và bộ phận giải quyết tranh chấp của tổ chức này nói riêng. Theo ông, cách diễn giải văn bản của các hiệp định của WTO chỉ nói chung chung, nên thường vi phạm chủ quyền của các quốc gia, trong đó có cả Mỹ. Cái biểu thị không đồng tình của ông là phía Mỹ ngăn chặn thủ tục bầu bán chọn các thẩm phán cho bộ phận giải quyết tranh chấp của WTO. Hậu quả là đến ngày hết nhiệm kỳ nhưng chỉ có hai trọng tài lưu dung và không bổ nhiệm mới, trong khi cần có từ ba vị trở lên thì bộ phận này mới hoạt động được đến cuối năm 2019.

Trong các mối quan hệ song phương, ông cự cãi không nể nang ai, kể cả các đồng minh truyền thống của Mỹ. Ấy mà lại được chuyện! Không ít quốc gia đối tác phải nhượng bộ do trên bàn hội nghị gặp đối tác đã ‘trên cơ’, còn ‘ngang như cua’, muốn áp đặt ý chí của mình đối với đối tác, nên chẳng ai muốn (thậm chí chẳng dám) đối đầu với ông. Một vài đơn cử như Argentina, Australia và kể cả Brazil đành chấp nhận giảm sản lượng để xuất khẩu ít nhằm tránh bị Mỹ đánh thuế nhập khẩu 25% lên thép và 10% lên nhôm. Châu Âu cũng chấp nhận đối thoại về các vấn đề tồn tại trong quan hệ thương mại với Mỹ mà không đặt điều kiện nào trước về cùng loại thuế…

Khi nghe Ủy ban Châu Âu quyết định phạt Google số tiền 4,34 tỷ Euro, Trump lên tiếng bảo vệ công ty Mỹ ngay và ghi trên mạng xã hột Twitter: ‘châu Âu thực sự lợi dụng nước Mỹ, nhưng nên nhớ không lâu dài được nữa đâu!’. Thật ra, so với các công ty ngành thép, ông không ưu ái ngành công nghệ như Google cho lắm, lại đóng tại California nên càng dị ứng, nhưng khi nước khác đụng công ty Mỹ dù không ưa, là ông lên tiếng ngay.

Chọc tức hàng xóm

Đối với hai nước láng giềng Canada và Mexico, Trump cũng chẳng mềm mỏng. Bob Woodward kể trong sách của ông rằng Gary Cohn, cựu chủ tịch tập đoàn Goldman Sachs và nguyên cố vấn kinh tế quốc gia cho đến tháng 3-2018 khi vẫn còn là người đứng đầu hội đồng cố vấn kinh tế quốc gia, trước ngày thương thảo hiệp định mậu dịch tự do Bắc Mỹ, ông phải tỉa tót các văn bản ngay tại văn phòng tổng thống, và hiệp định với Hàn quốc cũng làm như thế. Cuối cùng là Mexico buộc phải chấp thuận văn bản mới, bất lợi hơn so với nội dung trước. Còn Canada đang lần lữa đến ngày 29-9 để tìm một hướng thỏa hiệp với nước láng giềng hùng mạnh Mỹ.

Chĩa mũi dùi vào Trung Quốc

Nhưng đối với Trung Quốc (TQ), cơn nóng giận của D. Trump không thể nói nhất thời mà liên lỉ. Không hề ngẫu nhiên vì thâm hụt mậu dịch của Mỹ đối với TQ trong năm 2017 lên đến 523,7 tỷ đô la Mỹ nhập khẩu so với 188 tỷ xuất khẩu. Tăng trưởng kinh tế của TQ làm thay đổi cuộc chơi trên thương trường quốc tế.  Từ lâu, không ít nhà kinh tế học đã báo trước hiện tượng đảo lộn trong sắp xếp thứ tự các siêu cường. Điều đó làm người Mỹ không ưa lắm.

Một thắc mắc lớn gây nhiều ngạc nhiên là hầu như không thấy tình trạng lạm phát tại các nước phát triển. Nếu như giá cả có tăng, thì chỉ có dầu thô tăng nhưng không nhất thiết giá các mặt hàng, vật dụng tăng. Tại nhiều nước, tỷ lệ thất nghiệp giảm nhưng lương lại không tăng để kéo giá hàng hóa dịch vụ lên cao. Hóa ra một trong các lý do được giải thích rằng kể từ ngày TQ gia nhập WTO vào năm 2011, giá cả hàng hóa tại các nước phát triển chịu ảnh hưởng bởi hàng tiêu dùng giá rẻ nhập khẩu từ TQ và một số nước khác, nên ‘lạm phát đứt mạch với quá trình tiến triển cấu trúc tiền lương ở Mỹ’. Giá hàng hóa xuất khẩu từ TQ và một số nước mới nổi rẻ lại nhờ công lao động rẻ, các công xưởng tại các nước này vừa kéo được cả 2 tỷ người lao động, giành mất công việc của các nước giàu có và Mỹ.

Bản thân là một thương nhân, nhiều lần tranh từng câu chữ của hợp đồng trên bàn thương thảo (chưa bàn đến vị thế của Mỹ từ trước đến nay độc tôn là cường quốc số 1 thế giới), Trump cảm thấy chạnh lòng khi thấy nước Mỹ trong vòng vài năm tới không còn ở vị trí ‘trước tiên’ nữa nếu như không ra tay mạnh. Thật vậy, với kế hoạch ‘Sản xuất tại TQ 2025’ (Made in China 2025), giới lãnh đạo TQ không che giấu tham vọng của mình là đưa TQ trở thành cường quốc hàng đầu thế giới với các mũi nhọn kinh tế như khám phá không gian, chất liệu mới, robot, vi mạch…

Vị trí số 1 của Mỹ bị đe dọa, TQ chọn đúng các mũi nhọn cho tăng tưởng kinh tế để trở thành siêu cường nay mai. Như vậy, cách chặn của Trump không chỉ nói do tính khí mà có mạch có lạc hẳn hòi.

Ngày 17-9-2018, Mỹ tuyên bố chính thức thực hiện áp 10% thuế lên 200 tỷ đô la Mỹ giá trị hàng hóa nhập khẩu từ TQ có hiệu lực thực hiện từ ngày 24-9-2018, đến đầu năm 2019, sẽ tăng lên 25%. Từ đây đến đó, nếu TQ trả đũa, Trump sẽ kích hoạt lô 267 tỷ đô la với mức áp thuế tối đa.

Xem ra cuộc chiến tranh thương mại với TQ do D. Trump khai hỏa không hề xuất phát từ tính khí bốc đồng. Nó có tính toán. Tình hình kinh tế thế giới còn chịu ảnh hưởng theo hướng tiêu cực nếu như căng thẳng quan hệ kinh tế giữa hai bên không tìm cách hạ hỏa.

Không chỉ hai nền kinh tế Mỹ và TQ, mà cả thế giới đang đi vào vùng nhiễu động. Hãy thắt dây an toàn!

Hits: 272