20/01/2022 Yếu tố nào chi phối giá cà phê năm 2022?

Chọn cà phê chín pha ly cà phê ngon. Ảnh: HH Cà phê BMT 2020

Bước vào năm mới 2022, giá cà phê trên các sàn phái sinh và cả tại thị trường trong nước xuất hiện những  dấu hiệu khá kỳ lạ. Chỉ trong 15 ngày đầu năm, hai sàn cà phê đi ngược chiều như không nhìn được mặt nhau dù trước đây thường đi song hành. Còn giá cà phê trên thị trường nội địa vẫn khư khư quanh mức từ 40-42 triệu đồng/tấn.

Tại sao cũng là mặt hàng cà phê nhưng mỗi thị trường theo một phách? Các yếu tố nào sẽ chi phối mạnh đến giá mặt hàng này trong năm nay?

Thị trường đi tứ tán

Nhìn vào bức tranh chung, nếu như trong năm 2021 nhiều nước xuất khẩu và tiêu thụ còn lặn ngụp trong đại dịch Covid-19, nhưng giá kỳ hạn vẫn tăng phà phà. Hiệu suất kinh doanh trên hai sàn cà phê phái sinh robusta và arabica có một năm đạt điểm rực rỡ với sàn London tăng gần 60% và New York tăng gần 70%.

Hiệu suất kinh doanh
Năm 2021 Từ đầu năm 2022
London R +882 +59,96% -142 -5,99%
New York A +94,95 +69,69% +13,55 +5,99%

 

Nhiều người cứ đinh ninh vào năm mới, sàn London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường dùng để tham chiếu, sẽ phát huy thắng lợi. Tuy nhiên phần thắng không nằm tại sàn robusta mà chuyển qua phía arabica New York với hiệu suất kinh doanh nghịch chiều một cách cân đối lạ kỳ, London giảm 5,99% và New York cũng tỷ lệ ấy nhưng dương.

Trong khi đó, giá cà phê trên thị trường nội địa chưa cất đầu lên được dù mức kỳ vọng trước mắt chỉ 43-45 triệu đồng/tấn, nay chỉ quanh 40 triệu đồng.

Các hiện tượng trên đã đưa người sản xuất và kinh doanh vào tình huống như mất phương hướng. Vì sao? Trong điều kiện thị trường bình thường, khi một sàn tăng, hầu như các nơi khác đều tăng, lúc giảm, thường đi cùng chiều. Thế mà trong các ngày đầu năm, khi sàn này tăng, sàn kia giảm, khi sàn London tăng, giá xuất khẩu nội địa không theo, thậm chí bị trả giá rẻ hơn! Như ngay trước thềm năm 2022, có người báo đã ký hợp đồng với mức trừ “khủng”, trừ 560/580 đô la Mỹ/tấn tính trên cơ sở giao dịch tháng 1-2022. Đấy cũng là mức chưa từng có tính từ khi Việt Nam xuất khẩu hột cà phê đầu tiên và trực tiếp sau khi đất nước thống nhất.

Một số yếu tố tác động thị trường trong năm nay

Thật ra, người kinh doanh trên thị trường cà phê cũng như bao mặt hàng thương phẩm khác hiểu rất rõ rằng tâm lý thường “cầm đèn chạy trước ô tô” hay nói cụ thể các biến động của thị trường thường bị yếu tố tâm lý chi phối rất mạnh.

Cũng chính vì thế mà khi có quá nhiều yếu tố tác động, nếu không nắm những yếu tố “cầm chịch”, thì chỉ thấy giá cả như đi “mười phương tám hướng”.

Tin lạm phát tăng cao tính từ hàng chục năm nay tại Mỹ và EU, cũng như tại Brazil (với tỷ lệ lạm phát 2 chữ số) làm các nhà kinh doanh hàng hóa thương phẩm đoán trước rằng các ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất, tiền vay kinh doanh sẽ khan hơn, chi phí tài chính cao hơn. Đó cũng là lúc các quỹ đầu tư tài chính trên các sàn tính toán thay vì đặt cược thêm thì tháo cược, tức giảm lượng hợp đồng dư mua càng nhanh càng tốt trên các sàn.

Vả lại, các nguồn quỹ thường luân chuyển vốn từ sàn có hiệu suất kinh doanh cao sang sàn thấp hơn. Và như vậy, yếu tố cung cầu sẽ trở thành thứ yếu trong khâu làm giá. Năm 2021, hai sàn cà phê tăng quá tốt. Liệu năm nay vốn trên hai sàn cà phê sẽ bị đem chia sớt cho các sàn có hiệu suất đầu tư thấp hơn dù giá arabica tăng gần 6% thời gian qua?

Để làm được vậy, họ thường nhìn vào lượng tồn kho đạt chuẩn thuộc hai sàn. Sở dĩ thời gian qua giá New York tăng do báo cáo tồn kho đạt chuẩn giảm sâu, chỉ còn chừng 85 ngàn tấn so với gần 125 ngàn tấn vào ngày 4-10-2021. Trên sàn London, một đợt tồn kho giảm dài dễ đến cả chục tháng, nay đang có dấu hiệu tăng dần. Nếu như cách nay hai tuần lượng tồn kho đạt chuẩn robusta xống 97.120 tấn thì tuần qua đã lên lại 97.390 tấn. Dù chỉ mới một đợt tăng, nhưng thông tin thị trường cho rằng hàng cà phê robusta đã và đang cập các cảng chính châu Âu mỗi lúc một nhiều.

Khi hiệu suất đầu tư đạt quá cao, các nhà kinh doanh trên sàn không thể tạo sóng bằng vốn của bản thân từng sàn. Cách chơi “đánh đu” hiện nay, sàn bên này tăng bên kia giảm và ngược lại có thể được giải thích là cách đảo vốn giữa hai sàn cà phê với nhau để các nhà kinh doanh tạo sóng kiếm lợi nhuận.

Riêng giá cà phê trong nước từ đầu niên vụ đến nay khó qua mức 43 triệu đồng/tấn mà chỉ quanh quẩn 40-42 triệu đồng. Giá cước vận tải biển bằng container cao đang khống chế mạnh giá cà phê trong nước. Các nhà nhập khẩu trả giá xuất khẩu tính trên mức chênh lệch giữa giá ở cảng giao hàng nước xuất khẩu với giá niêm yết sàn phái sinh sẽ co giãn tùy theo mức cước cao hay thấp. Nhưng một số nhà kinh doanh cho rằng với mức trừ 450-500 đô la/tấn, các nhà kinh doanh cà phê robusta Việt Nam có thể đủ “sở hụi” để mạnh dạn đưa hàng qua sàn chờ đấu giá. Những chuyến hàng được chở bằng tàu thuê chuyến (conventional vessel) nghe nói đã đến các kho thuộc sàn trong những ngày đầu năm tại châu Âu. Có nên tin rằng nếu như trước đây giá các sàn phái sinh tăng tốt nhờ lượng tồn kho đạt chuẩn giảm, thì nay nếu tồn kho đạt chuẩn tăng thì hệ quả của giá trên sàn như thế nào, dù không cần nói chắc ai cũng hiểu.

Hiện nay, một số nhà phân tích thị trường còn rất kỳ vọng vào giá cà phê và dự đoán còn tăng nữa chứ chưa dừng tại mức đỉnh lập năm ngoái: London 2.384 đô la/tấn và New York 252,35 cts/lb. Cũng mong là như thế. Nhưng thấy trước một số tác động chính để lường trước rủi ro chắc hẳn không thừa.

Bài được đăng trên thesaigontimes.vn ngày 16/01/22

NGUYỄN QUANG BÌNH

0949393283
Lưu ý bạn không được quyền trích đăng bài vở trên trang này vì đã có bản quyền. Muốn trích đăng, chép lại, mong bạn lịch sự xin phép tác giả. Một khi trích đăng, sao chép, nhất thiết phải ghi nguồn và tên tác giả. Bài này không có dụng ý sử dụng để kinh doanh dù bất kỳ dưới hình thức nào.

Mọi thắc mắc xin gọi cho điện thoại theo số 0949393283. Xin lỗi không sử dụng tin nhắn và hội thoại trên các mạng xã hội như Zalo, FB, Viber…

Hits: 257