Hoạt động giá trên hai sàn kỳ hạn cà phê không mấy nhộn nhịp trong tuần qua. Trên sàn robusta London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường lấy giá niêm yết ở đó làm tham chiếu, đóng cửa ngày 18/05/18 chốt mức 1762 Usd/tấn, tăng 4 Usd so với một tuần trước đó. Sàn arabica New York lại giảm 1.40 cts/lb tương đương với âm 31 Usd/tấn để đạt 118 cts/lb (xem hình 1).
Dù ở khu vực thấp, giá robusta còn trụ được vì không bị các yếu tố như chỉ số đồng Usd và tỷ giá đồng nội tệ Brazil là Reais Brazil (BRL) chi phối mạnh như sàn New York. Thật vậy, tác động của các chính sách tiền tệ lên giá arabica New York thấy rất rõ: khi chỉ số USD tăng, giá loại hàng hóa nào lấy đồng Usd làm phương tiện giao dịch đều có khả năng rớt nhiều hơn do chi phí tài chính cao hơn; riêng về sàn New York, nơi giao dịch các hợp đồng arabica, đồng BRL mất giá đã gây sức ép bán ra từ nông dân Brazil, là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê arabica hàng đầu thế giới.
Chỉ số USD đến 18/05/18 giao dịch quanh mức 93,64 điểm so với 88 điểm vào đầu tháng 02/2018. Đồng nội tệ Brazil BRL vào tháng 09/2017 quanh 1 Usd ăn 3,08 BRL thì nay ăn 3,74 (xem hình 1).
Tồn kho cà phê tại các khu vực tiêu thụ vẫn còn lớn dù mới qua mùa tiêu thụ chính là đông-xuân. Con số thống kê hiện có được cho thấy tồn kho cà phê đếm được trong kho các nước tiêu thụ chừng 1,25 triệu tấn. Đó là chưa kể còn chừng 0,25 triệu tấn nằm tại các nhà máy, trên đường trung chuyển…để có con số 1,5 triệu tấn khi mùa mới của Brazil chuẩn bị ra rộ và hàng robusta Indonesia càng lúc càng được chở ra cảng xếp hàng nhiều.
NGUYỄN QUANG BÌNH
Hits: 119