19/10/2022 Nhận định giá cà phê thế giới từ 17-22/10/2022: Còn trong đà giảm.

Tác giả NQB. Ảnh Lê Hoàng Nhi

Diễn biến hai sàn phái sinh cà phê tuần trước: Giá trị đồng USD lên cho giá hàng hóa xuống.

Thị trường tài chính toàn cầu chứng kiến một tuần biến động cực mạnh. Hầu như không loại trừ một sàn nào, thị trường hàng hóa phái sinh đều theo hướng giảm. Hợp đồng dầu thô WTI mất 7,59% giá trị để đóng cửa còn 85,61 USD/thùng dù mới cách nay vài ngày Tổ chức các nước sản xuất dầu thô gồm thành viên chính thức và không chính thức (OPEC+) dọa giảm khai thác đền triệu thùng/ngày. Giá vàng chỉ còn 1641,7 USD/ounce giảm 3,46% dù lâu nay các nhà đầu tư tài chính thường sử dụng để ẩn náu vốn, thiết yếu như lúa mì cũng giảm 2,33%, lúa gạo giảm 0,53%…

Giới kinh doanh lo ngại các ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) và sau đó là EU (ECB) sẽ tăng mạnh lãi suất điều hành đồng USD và Euro thêm vài lần nữa vì mục tiêu giảm đà lạm phát. Tuy nhiên, áp lực trực tiếp có thể nói xuất phát từ các báo cáo kết quả lợi nhuận của các ngân hàng đầu tư lớn được công bố tuần qua. Ngoài một số kết quả khá khích lệ nhưng có phần hiếm hoi như JP Morgan, phần nhiều các ngân hàng khác như Morgan Stanley và Citigroup…đều giảm 30% và 25% (tương ứng).

Tại sao như vậy? Chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương không thông qua nơi ấy thì chỗ nào nữa. Hoạt động kinh doanh của các ngân hàng đầu tư càng tệ thì chỉ làm khổ các doanh nghiệp vì tăng thêm phí tài chính cho doanh nghiệp, đó là chưa kể nguồn vay của các công ty kinh doanh sẽ bị hạn chế nhiều hơn, hoạt động thu mua sẽ rất cầm chừng.

Các nhà nhập khẩu cà phê tại các nước tiêu thụ đã khó khăn, người xuất khẩu cà phê càng khó khăn hơn vì lãi suất tăng. Tìm đâu ra một lượng tiền mặt cực lớn để thu mua nguyên liệu trong một thời gian rất ngắn do nông dân cần bán cà phê ngay để tái đầu tư? Vấn nạn ấy lại càng căng khi cả thế giới đều phải giải quyết nạn lạm phát, nước càng nghèo càng bị áp lực bán nguyên liệu với giá rẻ thậm chí dưới cả giá thành sản xuất khi giá xăng dầu, phân bón…chưa giảm kịp.

Điểm tin cung-cầu trong tuần

Tồn kho cà phê

Tính đến ngày 13/10/22, tồn kho đạt chuẩn trên hai sàn như sau: robusta London đạt 91.900 tấn so với 06/10 là 93.060 tấn; sàn arabica New York đạt 408.419 bao hay 24.505 tấn so với 426.180 bao hay 25.571 tấn vào ngày 30/09/22.

Xuất khẩu cà phê Brazil tăng

Thông báo chính thức của Hiệp hội Xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe) cho biết xuất khẩu cà phê Brazil trong tháng 09/22 đạt 3,39 triệu bao, tăng 19,4% so với tháng 08/22 và tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường không mấy bất ngờ với tin này vì Brazil đã thu hái xong mùa vụ mới.

Dự kiến Brazil sẽ bán nhiều hơn vào những ngày tới khi đồng nội tệ bị mất giá so với USD càng lúc càng mạnh lên. Mặt khác, vụ ra hoa cho năm tới đã khởi sự rất tốt nhờ mưa thuận gió hòa. Giá cà phê tuần qua giảm mạnh vì thị trường tin sản lượng năm tới của nước sản xuất số 1 thế giới vẫn tốt dù vào năm mất mùa theo chu kỳ hai năm một lần đối với cây cà phê arabica.

Giá cả

Không quá bất ngờ, hai sàn cà phê tuần qua tính trên giá đóng cửa giảm mạnh: giá robusta mất 103 USD/tấn tương đương với -4,78% và arabica giảm 15,25 cts/lb tức 336 USD/tấn hay -9,81%.

Thị trường cà phê trong nước bắt đầu chộn rộn và xuất hiện tâm lý hoang mang do sợ giá còn rớt. Giá cà phê xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ đang được các nhà xuất khẩu trong nước trả trừ 200 USD/tấn dưới giá niêm yết sàn London. Nếu trừ chí phí làm hàng, họ có thể chào bán trừ 150 USD/tấn.

Giá cà phê nguyên liệu tại vùng sản xuất cà phê trọng điểm là Tây Nguyên tuần qua giảm nhanh, từ 48 triệu đồng xuống còn 46,8 triệu đồng/tấn vào đầu tuần này.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 17-21/10/2022: Cần thêm một thời gian tích lũy, giá robusta mới tăng lại?

Sau một tuần giao dịch, sàn London mất 103 USD để đóng cửa tại 2.051 USD/tấn.

Nhìn từ yếu tố kỹ thuật, tấm lá chắn cuối cùng tại 2.133 đã “toang”. Khi vỡ 2.133, rồi lại mất 2.110, giá đã rớt không phanh đến 2.049 và chốt phiên cuối tuần tại 2.051.

Giá đang trong đà rơi tự do cho đến khu vực 1.982/1.980 lập đầu tháng 08/22. Đó cũng là điểm xuất phát của đợt tăng lên 2.344 ngày 24/08/22.

Như vậy, đóng cửa tại 2.051 là còn yếu về kỹ thuật. Dù giá London đã vào vùng bán quá mức vì theo chỉ số RSI 14, nay đang là 28,03% so với tham chiếu 30%. Tuy vào vùng bán quá mức, nhưng chưa chắc thị trường chỉnh ngay để điều hòa vị thế mua bán.

Muốn lên, London thực sự cần lực mua cực mạnh làm sao cho giá qua khỏi 2.086 để lên giành lại 2.122. Nhưng đường đi xem ra đang khó, cần một thời gian tích lũy.

Vị thế kinh doanh của các quỹ quản lý vốn trên sàn này tính trên ngày khóa sổ 11/10 còn 14.647 hợp đồng, giảm 3.452 hợp đồng. Tuy nhiên, sau những ngày giảm cuối tuần trước, có thể thực tế hiện nay còn dưới 10.000 lô mua ròng.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Nhà rang xay sẽ thiên về mua arabica nhiều hơn?

Tâm lý lo ngại ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất điều hành đồng USD khi chỉ số giá tiêu dùng tháng 09/22 tại Mỹ ở mức 8,2%, không thay đổi mấy so với tháng 03/22. Lúc bấy giờ, chỉ số này là 8,5%. Người ta ngạc nhiên vì sau một loạt tăng lãi suất từ 0% nay lên mức 3%-3,25%, vẫn chưa thấy có biến chuyển rõ nét.

Giá trị đồng USD là DXY tăng tốt trở lại, lên 113,17 điểm, đã khiến đồng tiền các nước sản xuất mất giá, tạo áp lực bán mạnh vì hàng hóa vụ mới của Brazil đã sẵn sàng.

Giá arabica giảm mạnh đã khiến chênh lệch giữa hai sàn co lại. Giá cách biệt càng ít, các nhà rang xay lại thiên về mua arabica do rẻ hơn. Đây là một điều đáng lo ngại khi cà phê Việt Nam, nước sản xuất robusta số 1 thế giới, đang chuẩn bị vào thời kỳ thu hoạch.

Nguyễn Quang Bình

trích nguồn: ncif

Hits: 119