(18-12-2017) Thị trường cà phê trong nước: Thông tin và giá cả đều phức tạp

Hội nghị Viễn cảnh Cà phê 2018 được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh chấm dứt ngày 08/12 đã tiết lộ nhiều con số đáng suy ngẫm: Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho rằng trong niên vụ này 2017/2018 bắt đầu từ 01/10/17 đến 30/09/18 sản lượng cà phê nước ta có thể giảm xuống còn 1,5 triệu bao, mất 2,6% so với năm trước. Riêng sản lượng cà phê tỉnh Đắc Lắc sẽ tăng từ 310.000 tấn năm trước nay lên 400.000 tấn, ước báo của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột tại Hội nghị cho biết. Do mưa và các trận bão cũng như áp thấp nhiệt đới đến trễ, thu hoạch niên vụ mới bị trễ chừng 3 tuần.

Trong khi đó, ước báo của Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) cho rằng sản lượng niên vụ 2017/2018 của thế giới xấp xỉ năm trước: 159,312 triệu bao so với 159,114 triệu bao (60 kg x bao), trong đó sản lượng robusta là 64,077 triệu bao, cao hơn 2016/2017 gần 4 triệu bao. Lượng tiêu thụ cà phê thế giới năm 2018 được cơ quan này ước 157,647 bao, thừa gần 1,7 triệu bao.

Thị trường thường tin dùng ước báo của USDA để tính toán cung-cầu và hướng giá. Tuần trước, dù hàng chưa được bán ra mạnh do nông dân còn bận rộn công việc đồng áng, giá cà phê nội địa có lúc xuống chỉ còn 35,5 triệu đồng mỗi tấn. Đợt chỉnh giá tăng trên sàn robusta giữa tuần đã đưa giá cà phê tại Tây nguyên ngày đầu tuần này lên 36,5 triệu đồng mỗi tấn.

Thị trường nội địa đang đứng trước áp lực bán ra do vào chính vụ và thời kỳ trả các khoản vay đến đáo hạn ngân hàng của các doanh nghiệp và hộ nông dân, trong khi tồn kho cà phê vụ cũ của các nhà nhập khẩu còn đầy chực bán ngược lại vào thị trường trong nước.

Một khi giá kỳ hạn về đóng cửa dưới 1700 Usd/tấn, khả năng giá cà phê nội địa có thể phải giao dịch quanh mức 35 triệu đồng/tấn. Nếu như các quỹ đầu tư tài chính của hai sàn cà phê đồng loạt thanh lý lượng dư bán của các hợp đồng kỳ hạn, giá nội địa nương theo đó mà có thể tăng, tuy nhiên khó vượt 38 triệu đồng mỗi tấn.

Hits: 52