Nhận định giá cà phê thế giới từ 11-16/07/2022: Vẫn chưa thoát khỏi chu kỳ giảm

Diễn biến hai sàn phái sinh cà phê tuần trước: Lại lo đồng Usd có đợt tăng lãi suất điều hành mới.

Hình 1 (*Cơ sở giao dịch London và New York tháng 09/2022)

Boris Johnson từ chức Thủ tướng Anh vào ngày 07/07/22 vì hàng chục thành viên trong đảng cầm quyền rời bỏ chính phủ với lý do đạo đức bê bối. Tuy nhiên, đó chỉ là giọt nước làm tràn ly. Thực ra, danh tiếng Boris Johnson giảm mạnh vì để lạm phát tăng cao (là nước có tỷ lệ lạm phát cao nhất trong nhóm G7 với 9,1%), kinh tế Anh Quốc phát triển chậm, khủng hoảng giá sinh hoạt và lo nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại với EU.

Tại Nhật Bản, cựu Thủ tướng Shinzo Abe bị ám sát tạo chấn động trên chính trường. Di sản của Shinzo Abe, người có thời gian tại vị lâu nhất tại Nhật Bản đối với nền kinh tế nước này và thế giới là rất lớn mà được đặt tên là “Abenomics” nay nay còn được áp dụng, như chính sách tiền tệ nới lỏng cực kỳ, tài khóa cân bằng và các cải cách kinh tế của ông. Ở Sri Lanca, dân chúng tràn vào dinh khiến Tổng thống phải lánh mặt do khủng hoảng năng lượng và lương thực, ngày càng trở nên trầm trọng tại nước Nam Á này.

Chỉ số giá trị đồng USD/DXY tăng lên mức cao nhất tính từ hơn 20 năm đẩy chỉ số rổ 19 loại hàng hóa xuống (xem hình 1 – bên trái).

Lượng công ăn việc làm tháng 06/22 tại Mỹ tăng lên mức 372.000 so với kỳ vọng 268.000 lượt khiến thị trường tài chính lo trong những ngày tới Ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) có cớ mạnh tay với đợt tăng lãi suất tiếp theo. Thị trường đang tính đến mức tăng 0,75% như lần tăng vừa mới đây. Mức lãi suất điều hành đồng Usd hiện hành là từ 1,50%-1,75%. Ngân hàng ING (Hà Lan) cho rằng với tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ rất lành mạnh, bình quân 3,6%, thì “rõ ràng ngân hàng chúng tôi vẫn kỳ vọng lãi suất điều hành của Fed trong kỳ họp tháng 07/22 vẫn ở mức 0,75%”.

Giá cà phê 2 sàn phái sinh giảm: robusta về chạm 1.937 Usd/tấn và arabica 215 cts/lb vì đồng Usd được giá, đẩy đồng nội tệ Brazil có lúc rớt xuống mức sâu nhất tính từ hơn hai chục tuần trở lại.

Điểm tin cung-cầu trong tuần

Tồn kho cà phê

Tính đến ngày 07/07, tồn kho đạt chuẩn trên hai sàn so với báo cáo tuần trước như sau: robusta London đạt 107.560 tấn so với tuần trước là 108.300 tấn, arabica New York tiếp tục giảm mạnh xuống 805.077 bao hay 48.305 tấn so với trước 887.431 bao, là mức thấp mới tính từ hơn hai mươi hai năm.

Dự báo cung-cầu cà phê của Bộ Nông nghiệp Mỹ

Niên vụ 2021-2022, tổng sản lượng cà phê thế giới ước 167,10 triệu bao (bao=60 kg) so với nhu cầu tiêu thụ toàn cầu 165,24 triệu bao. Như vậy, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cà phê niên vụ này có thặng dư đôi chút (1,86 triệu bao). Tồn kho cuối vụ này ước 32,70 triệu bao.

Niên vụ 2022-2023, tổng sản lượng ước 175 triệu bao (+4,73%) do Brazil được mùa, USDA ước Brazil sẽ đạt 64,3 triệu bao (+10,67%). Tổng lượng tiêu thụ ước 167 triệu bao. Như vậy, thế giới sẽ thừa 8 triệu bao.

Xuất khẩu cà phê Colombia và Bờ Biển Ngà

Chín tháng đầu niên vụ 2021-2022, Colombia xuất khẩu đạt 9.197.000 bao, giảm 184.000 hay 1,96% so với năm trước đó.  Trong đó, tháng 06/22, Colombia xuất khẩu đạt 939.000 bao tăng 5,51% so với cùng kỳ 2021.

Tám tháng đầu 2021-2022 đến hết tháng 05/22, Bờ Biển Ngà xuất khẩu đạt 227.967 bao, một con số nhỏ đến bất ngờ do tình hình lộn xộn nội bộ.

Cà phê Brazil được giá tại Milan

Cuộc thi cà phê đặc sản tại Milan (Italia) đã giúp cho nành cà phê Brazil kiếm được 115,5 triệu Usd thông qua bán và quảng cáo cà phê đặc sản của nước này. Có hơn 30 doanh nghiệp Brazil tham dự và Hiệp hội Cà phê đặc sản Brazil đã ký được hợp đồng lên đến 21,9 triệu Usd.

Đợt này, cà phê robusta đặc sản Việt Nam có tham gia thi 2 mẫu đều đạt điểm cao nhưng khối lượng cà phê này nhằm mục đích thương mại hóa quá khiêm nhường. Cơ sở để có sản lượng cà phê tốt, giá cao là các chương trình sản xuất cà phê bền vững. Tuy nhiên, vẫn chưa thấy ngành cà phê tích cực tìm hướng cho thị trường cà phê giá trị gia tăng.

Giá cả

Hai sàn có thêm một tuần có kết quả chung cuộc giảm, kể cả arabica dù tồn kho rớt dưới mức cực thấp như đã nói.

-Giá robusta sau khi chạm đáy 1.937 sau một đợt giảm khá dài và vào vùng bán quá mức, đã tăng lại ngày giao dịch cuối cùng để đóng cửa tại 1.981 âm, cả tuần 25 Usd/tấn.

-Giá arabica giảm 4.20 cts/lb hay 93 Usd/tấn chốt tại 220.45 cts/lb.

-Thị trường cà phê xuất khẩu Việt Nam lắng đọng do giá đầu vào cao hơn đầu ra. Giá mua vào tương đương với 1.850 Usd/tấn chưa cộng phí nhưng bên mua chỉ trả 1.830 Usd/tấn Fob. Giá xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ đang được chào mua trừ 150 Usd/tấn (1.980-150) nên giá bán phải 1.950 Usd/tấn mới cân bằng.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 11-15/07/2022: Giá còn yếu về mặt kỹ thuật.

Phải đợi đến khi vào vùng bán quá mức, giá robusta London mới bật dậy khi chạm đáy 1.937, là mức thấp nhất tính từ cuối tháng 08/2021. Dù đã rất cố gắng nhưng London vẫn chưa được gọi là đảo hướng vì phải qua 2.020 mới kích được người mua.

Hình 2 Đồ thị giá robusta London cơ sở tháng 09/22 (nguồn: barchart.com)

Mức quan trọng để giữ cho giá London hạn chế đi xuống hiện nay quanh vùng 1.968/1.970 và bảo đảm kích tăng tại 1.999.

Nếu như qua khỏi 1.999, London tìm lên vùng 2.018 mới lấy đà tăng tiếp đến 2.030/2.050. Đồ thị cho thấy những đám mây dày đặc đang treo lơ lửng tại các vùng kháng cự, tạo thành một áp lực lên giá robusta trong những ngày tới.

Hướng xuống còn khá rộng một khi mất 1.968 để về 1.948. Mất 1.937 thì khả năng về 1.860 sẽ lộ ra ở đường chân trời.

Tuần này, thị trường tài chính bàn tán xôn xao về mức Fed sẽ ấn định tăng lãi suất điều hành, chủ yếu theo hướng nhiều hơn. Chính vì vậy mà giá cà phê có phần bất lợi.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Tại sao tồn kho đạt chuẩn arabica giảm?

Trong khi tồn kho đạt chuẩn robusta thuộc sàn London tăng dần lại thì tại sàn arabica khối lượng này xuống dưới mức 60.000 tấn tức 1 triệu bao tính từ hơn 22 năm nay. Thế nhưng, đừng vội đặt vấn đề vì thế giới thiếu arabica do Brazil vừa qua mất mùa. Brazil hiện đang bắt đầu thu hái arabica để tiêu thụ cho năm nay đến giữa năm sau.

Dù lượng tồn kho đạt chuẩn giảm mạnh, giá arabica vẫn không thể vượt các đỉnh cũ như 256.90 cts/lb lập đầu tháng 02/22 chứ chưa nói đến 306 cts/lb xuất năm 2011. Ngược lại có lúc giá arabica giảm xuống đến 202 rồi tuần trước chạm đáy 215.10 cts/lb.

Tuy sàn arabica giao dịch tại New York (Mỹ), nhưng hàng tồn kho đạt chuẩn thuộc sàn này chủ yếu nằm tại các kho ở châu Âu, có lúc các kho ở Mỹ chỉ giữ 3% trong tổng số khối lượng này.

Thị trường nhiều khi không song hành với sản lượng, giá phái sinh trong kinh doanh hàng xuất khẩu chỉ dùng để tham khảo nhằm giúp các nhà rang xay và người kinh doanh dựa một phần trên đó để tính giá riêng cho cà phê họ mua bán. Hiện nay, người kinh doanh hàng thực đang tìm cách tính giá riêng chứ không phụ thuộc quá nặng vào giá niêm yết trên sàn.

Bình thường, nếu tồn kho đạt chuẩn để trong kho của hai sàn phái sinh quá lâu, giá bị đánh giảm do chất lượng xuống cấp. Thời gian qua, giá cước từ các nước xuất khẩu đến cảng nước nhập khẩu quá cao mà lại có thể gặp rủi ro hàng đến xưởng chế biến trễ. Chính vì thế, các nhà rang xay Mỹ quyết định tăng giá mua cho lô hàng nào có sẵn tại các kho trong nước. Một làn sóng kéo hàng từ châu Âu sang Bắc Mỹ xuất phát từ nguyên nhân ấy. Như vậy, dù giá kỳ hạn arabica có giảm, họ lại trả bù hoặc cộng thêm cho hàng trong kho trên đất Mỹ.

Như hàng arabica Guatemala loại tốt, các hãng rang xay cộng thêm 67 cts/lb tức 1.477 Usd/tấn so với giá niêm yết, năm ngoái hàng này chỉ được trả +47 cts/lb. Hàng arabica chế biến ướt Colombia được cộng thêm 85 cts/lb hay 1.874 Usd/tấn so với năm ngoái chỉ +65 cts/lb.

Nhìn theo cách này, giá arabica hàng thực tăng cao tại Mỹ nhằm để giải quyết các vấn đề logistics hơn là do thiếu sản lượng. Giá được cộng thêm cao như thế khi nào mới hạ nhiệt? Khi hàng vụ mới Brazil ra nhiều (bắt đầu từ tháng 07/22), khi các nước thấy giá tại Mỹ cao ngất ngưởng, đổ hàng về thật nhiều để tranh thủ bán tạo nên cung nhiều hơn cầu. Đương nhiên, muốn bán được giá cao, nhà kinh doanh phải có kho bãi tại Mỹ.

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 94