Đợt giá tăng đầu năm chưa kịp lại bù những gì đã mất trước đó thì giá cà phê nhiều nơi tại các tỉnh Tây nguyên lại quay xuống mức thấp nhất tính từ hơn một năm nay. Giá kỳ hạn robusta London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường sử dụng làm tham chiếu, cũng chạy xuống mức sâu khi chạm 1.672 đô la Mỹ mỗi tấn trong phiên giao dịch ngày 9-1-2018, đấy là mức sâu nhất tính từ cuối tháng 6-2016 đến nay.
Thật vậy, giá cà phê nội địa cứ theo đà xuống cùng với giá kỳ hạn và chỉ còn 36 triệu đồng mỗi tấn.
Nhiều nhà vườn đã tỏ ra lo lắng khi cà phê mới thu hoạch chưa kịp bán. So với mức cao năm ngoái là 46 triệu đồng mỗi tấn thì nay đã mất 10 triệu đồng.
Một chuyên gia ngành hàng cho biết giá kỳ hạn robusta London cả năm 2017 đã mất 25%, đến nay vẫn tiếp tục giảm dù Việt Nam, nước xuất khẩu robusta số 1 thế giới năm vừa qua cũng giảm 20% lượng xuất bán cho nước ngoài chỉ còn 1,42 triệu tấn.
“Một điều nghịch lý là trong khi các cửa hàng tiêu thụ cà phê nhiều nơi trên thế giới không ngừng tăng, lượng cà phê cần mua chế biến nhiều nhưng giá cà phê nội địa và trên sàn kỳ hạn đều giảm,” vị chuyên gia phát biểu.
Thật vậy, từ rất lâu, ngành cà phê Việt Nam kinh doanh chạy theo giá của sàn kỳ hạn, nơi thách đố bằng lực tài chính giữa các quỹ đầu tư tài chính và giới đầu cơ quốc tế với nhau. Đến nay các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cà phê trong nước vẫn rất bàng quang với sự phát triển thực sự của ngành hàng cà phê trên thế giới.
“Thật đáng tiếc là tuyệt đại bộ phận lượng cà phê chúng ta bán sai địa chỉ, thường chỉ bán cho và theo sàn kỳ hạn cà phê, vốn người tiêu thụ cuối cùng ấy là sàn kỳ hạn thường không có địa chỉ và yêu cầu chất lượng rất chung chung,” ông nói.
Trong khi đó, ở châu Âu, chỉ tính tại 25 nước, theo một báo cáo nghiên cứu thị trường của trang nghiên cứu cà phê thế giới Allegra, mức tăng trưởng cà phê đạt 6,4%. Các nước có mức độ tăng trưởng cao nhất là Vương quốc Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và Cộng hòa LB Nga.
Báo cáo còn cho biết rằng chuỗi quán cà phê lớn nhất ở châu Âu hiện nay là Costa Coffee có trụ sở tại VQ Anh gồm 2.755 quán, tăng 243 quán năm 2017, tiếp theo đó là Starbucks có 2.406 quán, tăng 251 cơ sở bán lẻ trong cùng kỳ.
Trong số 25 nước châu Âu được khảo sát, hết 22 nước phát triển hệ thống bán lẻ và phục vụ cà phê có mức tăng trưởng trên 3%, trong đó có 4 nước tăng rất mạnh. Chỉ riêng ở VQ Anh, cả năm có tất cả 643 quán mới mở và nâng tổng số địa điểm bán lẻ cà phê lên 7.421 tiệm.
Tại Hoa Kỳ, lượng quán cà phê mới mở cũng tăng 3,6% với tổng số tiệm cà phê có thương hiệu lên đến 34.000 quán.
Người trong ngành tự hỏi lẽ nào sức tiêu thụ cà phê tăng mà lượng xuất khẩu và giá bán giảm? Lẽ nào đòi nâng giá trị và tầm thương hiệu cà phê Việt Nam nhưng hàng bán xuất khẩu không nhắm được địa chỉ cụ thể cần đến?
Muốn xây dựng thương hiệu cà phê nước nhà nhưng không tìm cách làm quen và đi cùng với các thương hiệu tại các nước tiêu thụ, gắn liền với chuỗi giá trị của người mua, thì có khác gì là lời hô hào suông!
Nguyễn Quang Bình
Hits: 38