Chỉ trong vòng hai năm, ngay trong lòng đại dịch Covid-19, giá cà phê trên hai sàn phái sinh và thị trường trong nước nhảy một bước dài giữa những khó khăn chồng chất.
Nói vậy quả không ngoa vì giá sàn robusta London – nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường sử dụng để tham chiếu – tăng từ 1.073 (4-2020) lên mức 2.384 đô la Mỹ/tấn vào ngày 30-12-21, còn giá arabica New York từ 92,70 cts/lb (5-2020) mới đây lên chạm 252,35 cts/lb tăng 159,65 cts/lb tương đương với +3.520 đô la/tấn (7-12-21). Đấy là các mức giao dịch cao nhất tính từ hơn chục năm nay. Giá cà phê trong nước cũng tăng nhưng khiêm nhường hơn, đang ở quanh mức 42 triệu đồng/tấn, là mức cao nhất tính từ 4 năm đổ lại.
Như vậy, các ước đoán giá cả của người có kinh nghiệm trong nước về thương trường khi mới vào đầu năm 2020 tỏ ra đúng đắn. Bấy giờ họ cho rằng chu kỳ tăng/giảm của giá cả phê thường xoay vòng 10 năm.
Tuy nhiên, đợt tăng quá nhanh và ngắn ngày, chủ yếu tập trung vào sáu tháng cuối năm 2021 liệu có còn tiếp tục trong năm 2022 hay chu kỳ tăng đã được thỏa mãn? Vậy, hướng giá cà phê năm tới liệu có còn vững?
Cơ sở tăng giá trên thị trường cà phê
Diễn biến giá cà phê robusta London (nguồn: Phan Trọng Anh)
Thật ra, không riêng gì cà phê, nhiều sàn nông sản thương phẩm khác cũng đồng loạt có giá lên mạnh, hầu hết đều đạt đỉnh cao nhất tính từ trên dưới chục năm trở lại. Riêng cà phê, tính cả năm 2021 hiệu quả đầu tư đến 30-12 trên sàn arabica đạt 68% tăng 92,60 cts/lb hay 2.041 đô la/tấn, còn sàn robusta tăng 902 đô la hay 61,32%.
Brazil vào năm mất mùa của chu kỳ xoay vòng 2 năm một lần do đặc tính sinh lý của cây cà phê arabica, gặp phải những trận rét đậm rét hại tại một số vùng trồng đã kích giá cà phê trên hai thị trường phái sinh lên mạnh. Đồng lúc đó sản lượng arabica Colombia thiếu hụt ngoài dự đoán đã tạo thêm đòn bẩy cho giá sàn này. Tuy nhiên, động lực chính giúp giá cà phê lên vẫn phải tính công đầu là nhờ các chương trình kích cầu tại các vùng tiêu thụ chính như Mỹ, EU và Nhật Bản. Ngân hàng trung ương các nước này đã không tiếc gì để tìm cách ngăn chặn đà suy giảm tăng trưởng kinh tế. Họ đã cung ứng một lượng tiền khổng lồ tính ra không dưới chục ngàn tỷ đô la Mỹ đồng thời giảm mạnh lãi suất điều hành. Vốn trong tay dồi dào đã kích hoạt sức mua hàng hóa của giới đầu tư và kinh doanh trong đó thị trường cà phê là một trong vài sàn thương phẩm có khả năng thanh khoản lớn nhất.
Sẽ là thiếu sót nếu không gắn thêm đợt khủng hoảng logistics toàn cầu, đến nay vẫn chưa giải quyết xong. Hàng hóa lưu thông thất thường, không chỉ từ nước xuất khẩu sang nước nhập khẩu bằng tàu biển, mà còn trong nội bộ từng lãnh thổ đều có vấn đề về phân phối khi chính quyền nhiều nước thắt chặt lệnh phong tỏa để ngăn ngừa dịch lây lan. Lượng tồn kho cà phê tại các nước tiêu thụ vơi dần, đặc biệt tồn kho đạt chuẩn (1) cho cà phê được phép đấu giá trên các sàn giảm dài về gần mức thấp ở thời điểm cách nay một năm.
Giá cà phê 2022: các yếu tố ảnh hưởng bao trùm
Tiền in ra nhiều, hàng tiêu dùng thiếu trên kệ các siêu thị do khủng hoảng logistics, lạm phát tại nhiều nước tăng mạnh. Tại Mỹ, mức độ lạm phát được đo trong tháng 11-21 lên 6,80%, là mức cao nhất tính từ năm 1980…Điều này đã làm giới hoạch định chính sách phải lên kế hoạch thu hồi nhanh chương trình kích cầu và tính tới việc tăng lãi suất sớm hơn dự định. Lượng vốn đã tung ra sẽ được thu hồi nhanh trong quý 1-2022. Đây sẽ là điều không vui đối với người kinh doanh hàng hóa thương phẩm khi vốn đưa vào hoạt động sắp tới sẽ ít hơn và chi phí tài chính lại có nguy cơ tăng lên, nên phải giảm mua, tăng bán.
Brazil, nước sản xuất và xuất khẩu cà phê số 1 thế giới lại quay về chu kỳ “năm được mùa” với dự báo sản lượng không thua gì năm kỷ lục với trên 60 triệu bao (bao=60 ki-lô-gam). Thật ra, năm 2021, cà phê Brazil mất mùa là có thật nhưng sản lượng cũng phải 56-57 triệu bao. Tuy nhiên, họ đã tranh thủ bán gần hết do giá kỳ hạn tăng và đồng nội tệ nước này mất giá trong những tháng cuối năm. Tính đến đầu tháng 12-2021, Brazil đã bán gần 80% sản lượng cà phê thu hoạch cho năm 2021 để chuẩn bị cho vụ mới 2022 với dự kiến thu hoạch robusta vào tháng 4-2022 và arabica bắt đầu từ tháng 7-2022. Gặp kỳ chỉ số giá trị đồng đô la Mỹ (DXY) tăng mạnh lấn át đồng nội tệ Brazil.
Khi đồng nội tệ của một nước sản xuất bị phá giá, sức ép bán xuất khẩu mạnh hơn do nhà vườn có thu nhập tính trên đồng nội tệ nhiều hơn. Nếu như một số nước xuất khẩu đều trong hoàn cảnh như Brazil, lực bán cà phê ra thị trường sẽ mạnh gây sức ép giá giảm trên các sàn giao dịch. Ngày 30-12, DXY ở mức 96,02 điểm trong khi đồng nội tệ Reais Brazil ở mức 1 đô la Mỹ ăn 5,57 BRL trong cặp tỷ giá USDBRL so với mức thấp lịch sử 5,99 BRL.
Khủng hoảng logistics dự kiến còn kéo dài. Nhưng cần thấy trước rằng thời kỳ mua sắm đỉnh điểm tại các nước tiêu thụ, thường vào dịp cuối năm, chóng chày sẽ qua nhanh dù chỉ mang tính chất thời điểm. Ít ra, lượng hàng hóa tiêu dùng hàng ngày được cung ứng từ các châu lục khác sang Âu Mỹ có một lúc nào đó phải nhường containers và chỗ trên tàu biển cho các loại hàng hóa nguyên liệu khác, trong đó mặt hàng cà phê chắc sẽ được ưu tiên lấp lại các chỗ đã vơi đi. Mới đây, nhiều doanh nhân kinh doanh cà phê cho biết do thiếu containers, họ đã thuê tàu rời (conventional vessels) để chở hàng xuyên đại dương thay cho tàu containers.
Nét đặc trưng của thị trường cà phê trong và sau đại dịch
Thường trong giao dịch hàng hóa thương phẩm, các nhà kinh doanh thường tranh giành ngôi “làm chủ”. Đáng ra, khi tồn kho giảm, cà phê từ nước sản xuất không thể đi được nhiều qua các nước tiêu thụ, thì quyền làm giá phải nằm trong tay người bán. Nhưng lần này thì không. Quyền phát giá vẫn nằm trọn trong tay người mua.
Giá trong nước trước đây thường đi sánh đôi với giá niêm yết trên sàn phái sinh. Nhưng thực tế là năm qua sàn phái sinh tăng lên mức cao nhất tính từ chục năm thì giá cà phê nội địa chỉ làng nhàng quanh mức 42 triệu đồng/tấn, chỉ cao nhất tính từ 4 năm. Giá cà phê xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen bể tính theo mức chênh lệch giữa sàn London với giá xuất tại cảng khởi hành hiện nay đang ở mức trừ 450-500 đô la Mỹ/tấn dưới giá niêm yết kỳ hạn tháng 3-2022, là các mức thấp nhất lịch sử, kể từ khi Việt Nam bắt đầu xuất khẩu cà phê vào cuối thập niên 1980.
Kịch bản chính: Không mấy thuận lợi
Dựa trên các tác động tiềm năng như chính sách tiền tệ Mỹ và các nước tiêu thụ thắt chặt hơn, Brazil được mùa, nhiều nước sản xuất tìm cách tung nhanh lượng hàng cà phê ứ đọng do khủng hoảng tàu biển, lạm phát tại các nước xuất khẩu…có thể dựng được một kịch bản chính không mấy thuận lợi cho giá cà phê trong năm 2022.
Rất có thể thị trường nông sản vẫn còn nằm trong siêu chu kỳ kinh tế và cà phê vẫn tiếp tục giữ mức cao tính từ chục năm nay, kỳ vọng lên mức cao nhất cho arabica trên 300 cts/lb và robusta quá 2.600 đô la/tấn có thể xảy ra nhưng khả năng chạm được một đỉnh nào đó rồi lại quay đầu ngay một cách chóng vánh.
Nói “không mấy thuận lợi” không có nghĩa rằng giá cà phê sẽ sụp về ngay mức đáy trong năm 2020. Do dịch Covid-19 còn kéo dài chưa biết hạn định, giá cà phê vẫn chịu những đợt tăng giảm thất thường để tìm thế ổn định dần. Giá cà phê robusta đóng cửa ngày 30-12-21 tại 2.373 đô la/tấn và arabica 228,85 cts/lb tức 5.045 đô la/tấn. Về lâu dài khi vào sâu năm 2022, giá sàn robusta London có thể ổn định quanh mức 2.000 đô la với dung sai +/-100 đô la/tấn.
Còn giá cà phê nội địa? Nếu như khủng hoảng logistics cứ kéo dài (hết năm 2022 chưa chắc đã giải quyết xong), dù giá các kỳ hạn có xuống, giá trong nước sẽ không thể giảm sâu do chi phí sản xuất tăng mạnh. Có thể lấy mức 39 triệu đồng/tấn làm giá đáy, thì dung sai cho kịch bản này là +/- 1 triệu đồng/tấn. Do vậy, những kỳ vọng lên 45 triệu đồng/tấn của nhiều người hiện nay tỏ ra xa với kịch bản này nhưng không phải không thể xảy ra…với điều kiện đồng nội tệ của nước ta bị mất giá.
NGUYỄN QUANG BÌNH
Bài đã đăng trên Tạp chí Kinh tế Sài Gòn số 1-2022
Hits: 511
1 Trackback / Pingback
Comments are closed.