(KTSG) – Từ thành công trong trồng xen cây ăn trái với cây công nghiệp, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông định hình thêm một thế mạnh mới để đưa cây ăn quả trở thành nhóm cây trồng chủ lực. Một số nhà nông ở Đắk Nông đã chịu đầu tư cho hệ thống nhà kho và nhà máy chế biến cây trái địa phương với hy vọng không còn phải chứng kiến cảnh được mùa hoa quả rớt giá, thương lái bỏ cọc như nhiều nơi khác.
Đến nay, nhiều người vẫn còn nhắc đến một dĩ vãng đẹp về vùng đất đỏ bazan độ lượng của tỉnh Đắk Nông trước và ngay cả một thời gian khá dài sau năm 1975. “Mỗi lần qua Ngã ba Vườn Mít hay xuyên cả một khu rừng cây cho loại trái múi vàng thơm hấp dẫn ở xã Đạo Nghĩa, cứ tự tiện ghé vào lúc mùa mít chín, chỉ cần vỗ vỗ trái nào nghe bịch bịch, nằng nặng, thơm thơm là tự do bổ ra ăn, no mấy vẫn chưa đã thèm…”. Chiến tranh liên miên, giao thương bó hẹp, nên sản vật nông nghiệp vùng này cứ như chìm trong giấc ngủ mê man.
Cuộc đời mới bắt đầu tự lúc nào không hay, nhưng chắc chắn là từ khi quê hương thanh bình, khi nhà vườn có cơ hội tiếp xúc với thị trường rộng lớn trong và ngoài nước… Bắt đầu từ cây cà phê, rồi đào lộn hột, hồ tiêu…
Trải qua nhiều thăng trầm nhưng không ít bấp bênh theo giá cả của các mặt hàng chủ lực ấy, nhiều vườn chuyên canh cây công nghiệp tại Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Nông nói riêng, đã không chịu nổi chiếc áo khó chịu và “nóng nực” của các thị trường thương phẩm.
Họ quyết định trồng xen với các loại cây ăn trái… để đến lúc này, thấy cần phải xây dựng một loạt nhà máy chế biến trái cây mới mong thỏa mãn phần nào sức bật của sản xuất của các loại cây trái vùng nhiệt đới ngọt lành này.
Mấy năm gần đây, phong trào trồng cây ăn trái như sầu riêng, bơ (avocado), chanh dây (passion)… càng nở rộ khi nhiều nhà vườn đã mạnh dạn cho cây ăn trái chen chân trên đất cà phê, hồ tiêu… Vậy mà không bao lâu ai cũng đều nhận ra thu nhập tốt, ổn định và bền vững hơn.
Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết vùng Tây Nguyên hiện có chừng 163.500 héc ta (2022) các loại cây trồng được trồng xen trong vườn cà phê, bằng 25,1% tổng diện tích cây được mệnh danh là “vàng đen” này. Trong đó, Đắk Nông có 51.200 héc ta tương đương với 38% chỉ sau Đắk Lắk với 81.400 héc ta.
“Tháng 3 mùa con ong đi lấy mật…”, bài hát này vẫn rổn rảng khắp nơi trên vùng Tây Nguyên. Chọn những ngày đầu tháng 3 để khánh thành Nhà máy chế biến trái cây Toàn Hằng, tại xã Đăk Wer, huyện Đăk R’lấp, tỉnh Đắk Nông với công suất 250 tấn/ngày mang thêm động lực mới cho nhóm hàng mà từ lâu nhà vườn trồng chuyên cây công nghiệp cứ nghĩ trồng dặm dăm ba cây, “làm chơi ăn chơi” chứ lợi lộc gì vô đó!
Thế mà nhiều chuyện bất ngờ, có khi phải cười ra nước mắt ngay trong ngày khai trương nhà máy ấy. Năng lực sản xuất trái cây thì có thừa nhưng lại quá thiếu năng lực dự trữ, chế biến và bảo quản để phần nào giúp nông dân an tâm bám trụ với nghề mình đang theo.
Một chủ vựa vừa là người trồng sầu riêng và một số loại trái cây từ Phú An, tỉnh Đồng Nai, xã giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng, kể mới năm ngoái, chỉ riêng gia đình anh vừa chặt bỏ 7.000 gốc mít vì khi vào mùa chín rộ, thương lái quen thuộc chờ hoài không đến. Thấy chuyện chẳng lành, anh bèn tự mình đưa hàng về miền Tây Nam bộ bán dạo. Nhưng nhiều chành chỉ trả 1.500 đồng.
Thế mà sau Tết Quý Mão, giá mít nhảy phóc lên 40.000 đồng một ki lô gam. Phải chăng rủi ro lớn nhất chính là thiếu nhà máy chế biến, lưu kho, bảo quản để thương lái và nhà vườn trong nước phải bán đổ bán tháo, có lúc cùng đường đem đốn hạ cây như thế?
Anh Đỗ Đình Tuân từ Phú An, một đối tác của nhà máy mới khánh thành tại Đăk Wer còn cho biết tiềm năng của một số loại trái cây khu vực miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên lớn vô kể. Chưa bàn đến rủi ro về vốn. Nếu có càng nhiều nhà máy bảo đảm được năng lực lưu trữ hiện đại, nhà vườn có thể phần nào yên tâm về giá.
Anh nhớ lại có lúc giá một ki lô gam sầu riêng chỉ 17.000 đồng thì nay đã lên gấp chục lần. Thị trường nhiều loại trái cây nhiệt đới trở nên quá “hot”, nhất là từ khi Trung Quốc dỡ bỏ chính sách Zero Covid. Có khi mua chưa kịp chồng tiền, thì giá đã rớt dăm bảy ngàn đồng mỗi cân là chuyện bình thường. “Không có nhà máy chế biến hiện đại thì chỉ từ thua tới thua, về cả thị trường lẫn vốn liếng của nhà vườn và thương buôn!”.
Thật ra, tại Đắk Nông, nhiều nhà vườn đã khẳng định rằng chọn cách trồng xen cây công nghiệp và cây ăn trái lâu năm như là một cách để chống lại các rủi ro về giá khi thị trường một mặt hàng thương phẩm biến động bất lợi. Đấy cũng là biện pháp đa dạng hóa sản phẩm, tạo thêm công ăn việc làm, đưa diện tích cây công nghiệp vào thế ổn định.
Hiệu quả mô hình trồng xen nay không còn được báo cáo bằng những con số “khơi khơi” mà được lượng hóa rõ ràng nên càng thêm phần thuyết phục. Tại Đắk Nông, ngành nông nghiệp tỉnh đã đánh giá lợi nhuận trồng xen với sầu riêng đạt 80 triệu đồng/héc ta, tăng 1,9 lần so với cà phê trồng thuần; cây bơ và cây hồ tiêu đạt 60 triệu đồng/héc ta, tăng 1,4 lần cao hơn khi chỉ trồng thuần cà phê.
Cũng từ thành công trong trồng xen cây ăn trái với cây công nghiệp, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông định hình thêm một thế mạnh mới để đưa cây ăn quả trở thành nhóm cây trồng chủ lực như cây sầu riêng, mít, chanh dây, cam, bơ, chuối, quýt, thanh long, xoài…
Nếu như năm 2019, tỉnh chỉ có gần 6.000 héc ta cây ăn trái, thì định hướng đến năm 2030, tỉnh đã đưa ra quy hoạch phát triển diện tích cây ăn quả lên khoảng 18.500 héc ta, cho sản lượng hơn 288.000 tấn.
Nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, rất cần thiết xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung tại một số vùng, thành lập các trung tâm chế biến công nghệ cao, xúc tiến xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm như sầu riêng, chanh dây, mít, bơ…
Cũng tại ngày vui có nhà máy chế biến trái cây lớn nhất tỉnh cho đến nay ở huyện Đăk R’lấp vào ngày 3-3-2023, một cặp vợ chồng giáo viên về hưu thổ lộ rằng do “mê mệt” trái bơ, nên có bao nhiêu đất, anh chị trồng cây bơ bấy nhiêu. “Mới đây, khi trái bơ đến mùa chín, có lúc bán không ai mua, bèn trút hàng tạ bơ xuống hồ nuôi cá, ăn không hết, bơ đầy hồ, cả đàn cá ngộp thở mà chết…”. Nay có “trung tâm” chế biến, vợ chồng nhà giáo Bích “vui cái bụng hết sức”!
Đắk Nông hoa trái bốn mùa. Chủ nhà máy mới khai trương Trương Công Toàn tự tin nói rằng nguồn nguyên liệu ở đây có quanh năm. Nhà máy cố gắng thu mua trái cây với lượng nhiều nhất và giá tốt, ổn định nhất nhằm “đảm bảo chất lượng tốt nhất trước khi đưa trái cây sản xuất trong vùng đến người tiêu dùng trong và ngoài nước”.
Trồng cây ăn trái nay xem ra là chuyện nghiêm túc. Không thể quan niệm “trồng chơi ăn thiệt” mà phải “làm thiệt ăn thiệt”. Chỉ có làm thiệt từ các khâu trồng, thu hoạch, chế biến, bảo quản, thị trường… thì nhà vườn và đất nước mới khỏi “thiệt”.
NGUYỄN QUANG BÌNH
Bài đã đăng trên TC KTSG số 10-2023
Hits: 58