(1-4-2017) Cà phê: Tuần cuối quí 1-2017 bình lặng, mua bán yếu

 

Ngày London ($/tấn) New York (cts/lb) Nội địa (tr đồng)
31-3 2149 139.30 46,4
30-3 2161 139.30 46,6
29-3 2171 139.30 46,6
28-3 2168 138.85 47
27-3 2186 139.20 46
24-3 2139 137.60 46

 

Thị trường cà phê nội địa tuần cuối cùng của tháng 3-2017 dao động đầy rủi ro. Sau một đợt sóng gió xảy ra ngay đầu tuần, chỉ trong ngày thứ hai 27-3 có giá đóng cửa tăng 47 đô la Mỹ/tấn, giá cà phê nguyên liệu từ mức thấp 45,6 triệu đồng/tấn cuối tuần trước nhảy lên 46,6 triệu đồng/tấn vào giữa tuần tại các tỉnh Tây nguyên.

Tuy nhiên, ngay phiên tiếp theo, giá kỳ hạn London, nơi những nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường dùng làm giá tham chiếu, đóng cửa giá lại rớt 18 đô la và còn 2168 đô la/tấn. Giá nội địa lại một phen mất mốc 47 triệu đồng/tấn để về quanh mức 46,5 triệu đồng/tấn.

Hoạt động trên hai sàn kỳ hạn trong những ngày cuối tháng 3 và cuối quí 1-2017 khá trầm vắng do các nhà kinh doanh muốn khoanh sổ để chuẩn bị quí mới.

Giá sàn robusta cuối tuần chốt mức 2149 đô la/tấn trong khi giá arabica New York tuy yếu vẫn cố giữ mức hiện có trong mấy ngày khoanh sổ tại mức 139.30.

Cuối tuần, do giá London yếu trong các ngày về sau, giá nội địa có thể sẽ giao dịch quanh mức 46,2 triệu đồng/tấn trong những ngày cuối tuần và giá cà phê robusta xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen bể mất mốc 47 triệu đồng/tấn.

“Thường vào các thời điểm cuối tháng và cuối quí, sức bán hàng giấy ra mạnh từ các quỹ đầu tư, nhiều người lo ngại giá kỳ hạn có thể sụp lại bất ngờ, nên đã bán ra khá nhiều trong đợt giá tăng ấy. Thị trường có khựng lại nhưng vẫn nằm trên 46 triệu đồng/tấn, mức ấy là tốt rồi” chủ một doanh nghiệp đóng tại huyện Đắc Song, tỉnh Đắc Nông cho biết.

Xuất khẩu cà phê Việt Nam quí 1-2017 đạt 449.000 tấn, giảm 5,4% về lượng nhưng tăng 26% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016, bộ NN&PTNT cho biết. Trong khi đó, trong báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê thế giới (ICO), xuất khẩu cà phê toàn cầu năm tháng đầu niên vụ 2016/17 bắt đầu từ 1-10-2016 ước đạt 49,52 triệu bao (60 kg x bao), tăng 6,7% so với cùng kỳ với tỷ lệ arabica 64,08% và robusta chỉ 35,92%. Sự sụt giảm xuất khẩu lượng cà phê robusta của thế giới phản ánh đúng với thực tế của mua bán cà phê tại nước xuất khẩu robusta số 1 thế giới là Việt Nam.

Giá cà phê trong nước nhảy liên hồi, mỗi ngày có khi tăng giảm từ 0,5-1 triệu đồng/tấn nhưng lượng bán trực tiếp cho nhà nhập khẩu rất ít. Điều này cho thấy hoạt động kinh doanh trên thị trường nội địa rất nhộn nhịp nhưng chủ yếu tay trao tay giữa những người đang đầu cơ giá lên.

Chính vì vậy, giá nội địa rất cao và không gặp giá chào mua của các nhà nhập khẩu. “Lượng xuất khẩu cà phê Việt Nam giảm trong quí 1-2017 nhưng giá trị lại tăng phản ánh đúng tình hình hiện nay,” một chuyên gia ngành hàng nhận định. “Như vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu không nên bán khống vì khả năng thu mua hàng rất khó, nhất là khi chất lượng hàng cà phê năm nay khó làm hài lòng người mua do tỷ lệ đen bể rất cao vì thời tiết ẩm ướt,” vị chuyên gia nói tiếp.

NGUYỄN QUANG BÌNH

Hits: 80