Diễn biến thị trường từ 14/08/17 đến 19/08/17: Giá cà phê trên hai sàn kỳ hạn và tại thị trường trong nước giảm.
Giá trên các thị trường cà phê có một tuần giảm mạnh. Hai sàn kỳ hạn cà phê mất đỉnh lập trong phiên giao dịch ngày 08/08: tại sàn London 2155 Usd để chạm đáy xảy ra tuần qua ở 2030 Usd, giảm 125 Usd/tấn; tương tự, sàn arabica New York mất 15.15 cts/lb hay 334 Usd/tấn giữa đỉnh 145.50 với đáy 130.35 cts/lb.
Giá cà phê xuất khẩu tại nhiều nơi ở Tây nguyên quanh mức 44 triệu đồng/tấn, giảm gần 2 triệu đồng/tấn so với cuối tuần trước.
Một nhà phân tích cho rằng giá các sàn hàng hóa nông sản thế giới tuần qua theo hướng xuống do ảnh hưởng của chỉ số đồng Usd mạnh lên, từ 92 điểm tuần qua có nhiều lần muốn vượt 94 điểm. Khi đồng Usd lên giá, người trữ hàng thường phải thanh lý bán bớt để giải quyết các chi phí tài chính do đồng Usd mắc hơn (xin xem hình 1).
Thị trường mua bán hàng thực, xuất nhập khẩu rất yên ắng. Suốt bảy ngày qua, hầu như không có một giao dịch hàng thực nào được ghi nhận. Tuy nhiên ngày giao dịch cuối tuần 18/08, trong khi sàn arabica yếu, giá robusta đóng cửa cuối tuần chỉnh tăng 47 Usd so với ngày trước đó để đạt 2101 Usd/tấn.
Chung cuộc, so với cuối tuần trước, giá arabica New York chốt tại 131.70 cts/lb mất 12.15 cts/lb hay 268 Usd/tấn và robusta London đóng tại 2101 Usd/tấn chỉ mất 32 Usd/tấn.
Dự báo tuần này (21/08/17 tới 26/08/07/17): Giá robusta London vững là nhờ cấu trúc “vắt giá”.
Chỉ số đồng Usd liên tục tăng trong mấy ngày cuối tuần đã làm cho các quỹ đầu cơ trên sàn cà phê arabica bán lại các hợp đồng kỳ hạn và quyền chọn sau khi hạ lượng dư bán quá nhanh. Mới cách nay mấy tuần, có trong tay một lượng dư bán hàng giấy kỷ lục là 42.454 lô tức 723.416 tấn “bán khống”, đến ngày 08/08 họ chỉ còn giữ lại 4.560 lô hay 77.702 tấn, giảm cả chục lần. Tuần qua, sau khi phát hiện mua quá mức, các nhà đầu tư tài chính đã bán lại và hệ quả giá giảm nhanh trên sàn New York như đã chứng kiến.
Về kỹ thuật, nhìn theo đồ thị 2, sàn này còn yếu vì giá đóng cửa nằm dưới tất cả các mức bình quân động. Từ góc độ Fibonacci, lấy khung dao động từ 115.50-147.25, sau khi giảm xuống 135 cts/lb ở tỷ lệ 38,2%, trong hai ngày cuối tuần, giá New York chỉnh luôn 50% chính là mức 134.40 cts/lb. Liệu tuần tới New York có thẳng tay chỉnh xuống 68,4% ở 127.65 cts/lb? Thái độ cò cưa trong ngày 18/08 khi sàn này không chịu xuống dưới 130 cts/lb mà chỉ chạm 130.35 rồi quay lên đóng cửa tại 131.70 cts/lb. Hy vọng sàn arabica đã tìm được đáy trong những ngày qua để quay về lại 135-140 cts/lb trong tuần này.
Sàn kỳ hạn robusta cũng yếu về kỹ thuật nhưng cấu trúc vắt giá đã cứu nó. Vắt giá là một hiện tượng thiếu hàng cục bộ do nguồn cung trước mắt bị thắt chặt hoặc mất mùa hay do đầu cơ tích trữ. Vì thiếu hàng, người mua phải trả giá cho hàng giao ngay cao hơn so với các tháng giao xa hơn. Nếu như ngày 15/08, người giao hàng tháng 09/17 được trả cao hơn 27 Usd/tấn so với giao tháng 03/18, thì đến ngày 18/08 được trả 64 Usd/tấn (2116-2052) tức áp lực mua hàng giao mạnh hơn.
Chính vì thúc bách mua hàng giao tháng 09/17, người đến hạn giao hàng buộc phải đẩy giá cao lên để mua. Nhờ vậy, giá robusta đã quay ngược lại tăng trong phiên giao dịch ngày 18/08. Từ mức 2054 Usd/tấn, giá kỳ hạn robusta đã vượt nhiều mức quan trọng như bình quân động (BQĐ) 5 ngày là 2072, BQĐ 50 và 100 ngày tại 2096 và 2077 để đóng cửa 2101 Usd/tấn. Mức BQĐ 200 ngày tại 2120 xem ra khá dễ trong tuần này khi đà London còn mạnh.
Qua khỏi 2077, giá London từ chối xuống sâu dưới 2000. Tuy nhiên, sàn này phải vượt khỏi 2177, mức cao trước đây, để có thể theo hướng tích cực sau khi không chịu về hướng tiêu cực. Lực cản tại 2170-2175 còn rất mạnh. Đây là một thử thách lớn cho sàn robusta tuần này.
Thị trường cà phê trong nước: Chao đảo ở mức cao.
Phiên cuối tuần trước 18/08, London đóng cửa tăng 47 Usd/tấn để chốt 2101 Usd/tấn. Nhờ vậy, giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ trên thị trường nội địa tăng 1 triệu đồng vào cuối tuần qua để đạt 45-45,3 triệu đồng/tấn tùy nơi ở Tây nguyên., giá hàng giao tại kho TPHCM quanh mức 45,5-45,8 triệu đồng/tấn.
Với đà giá kỳ hạn còn tăng, mức 46 triệu đồng/tấn được xem như trong tầm tay cho tuần này.
Chưa ai dám đoán giá sẽ lên cao hơn như 46,5 triệu đồng/tấn chẳng hạn. Vì nhu cầu mua hàng hiện nay từ phía các nhà nhập khẩu rất yếu. Dẫu giá kỳ hạn có tăng, do hiện nay nhu cầu cần hàng rất hạn chế, người mua có thể sẽ trả giá “trừ lùi” nhiều hơn. Vả lại, niên vụ cà phê mới 2017/18 cũng đã gần kề nên có khả năng người mua chỉ đòi mua hàng vụ cũ giá rẻ.
NGUYỄN QUANG BÌNH, trên NCIF
Hits: 77
1 Trackback / Pingback
Comments are closed.