Diễn biến hai sàn phái sinh cà phê tuần trước: Giá trị USD thất thường gây áp lực lên đồng nội tệ các nước sản xuất cà phê.
Hình 1 (*Cơ sở giao dịch London tháng 01/23 và New York tháng 03/23)
Chỉ số giá trị đồng USD lại có những ngày tăng/giảm cực mạnh. Nếu tính trên 7 ngày giao dịch gần nhất, DXY đã có 5 phiên có biến động có thể nói là “cực đoan”, đơn cử như ngày 22/10, DXY đã giảm 99 điểm phần trăm so với mức đóng cửa ngày trước đó sau khi chạm đỉnh trong phiên là 113.83 điểm.
Xu hướng đi lên của chỉ số DXY có thể chưa dừng quanh khu vực 112-113 điểm như thời điểm hiện tại mà, theo giới chuyên môn phân tích, còn có thể lên đến 118-120 điểm so với hiện nay.
Thị trường thấy rất rõ rằng từ khi Ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) tăng lãi suất với một loạt lần với tỷ lệ cao từ năm mươi đến bảy mươi lănm điểm phần trăm, đồng USD trở nên mạnh so với các đồng tiền khác trên toàn cầu. Điều đó cũng có nghĩa là tài khoản vãng lai của các nước khác thâm hụt hoặc/và nợ công nhiều hơn khiến giá trị các đồng nội tệ sụt giảm nhanh, khó khăn cho việc chống lạm phát tại đó.
Đồng USD tăng mạnh đã gây áp lực cho các đồng tiền nước khác, bất kể là nước phát triển hay nước có nền kinh tế mới nổi, dù là nước tiêu thụ cà phê hay xuất khẩu cà phê.
Ngay tại nước xuất khẩu cà phê robusta số 1 thế giới là Việt Nam, tỷ giá VND so với USD không còn bình lặng trong vùng 23.000 VND như trong một thời gian dài trước đây mà nay đã tăng lên 24.500 thậm chí 25.000 VND ăn 1 USD. Nhiều nhà phân tích đoán rằng ngay trong năm nay, VND có thể mất từ 4%-5% so với USD (1).
Vậy từ nay, yếu tố tỷ giá đóng một vai trò quan trọng trong việc làm giá cà phê, cả trong nước lẫn giá trên sàn.
Điểm tin cung-cầu trong tuần
Tính đến ngày 20/10/22, tồn kho đạt chuẩn trên hai sàn như sau: robusta London đạt 89.420 tấn so với 13/10 là 91.900 tấn; sàn arabica New York đạt 392.727 bao hay 23.564 tấn so với 408.419 bao hay 24.505 tấn. Thời điểm cuối vụ cũ, lớp tồn kho này của robusta đếm được 93.700 tấn và arabica 25.571 tấn.
Brazil được mùa trong một năm mất mùa?
Thị trường thường đợi đến tháng 10 mới bắt đầu làm giá tức khi Brazil bắt đầu vào mùa mưa. Thế mà năm nay, từ mươi ngày cuối tháng 9/22, các vùng cà phê Brazil báo đã nhận lượng mưa khá tốt và đều. Thị trường kỳ vọng năm sau đón nhận một niên vụ “được” trong một năm mất mùa theo chu kỳ hai năm một lần của chu kỳ sinh trưởng cây cà phê arabica. Reuters đã đưa tin nông dân Brazil thấy trước sản lượng năm sau vẫn tốt giữa lúc có dự báo thời tiết cực đoan La Nina.
Nhận được tin này, giá cà phê trên cả 2 sàn đều mất trong hai tuần đầu tháng 10/22. Giá cà phê nội địa tại Brazil giảm vào thời điểm 30/9 như sau:
-Arabica chế biến khô: 3.940 USD/tấn
-Arabica chế biến ướt: 4.220 USD/tấn
-Robusta: 2.275 USD/tấn.
Như vậy, độ chênh lệch giữa 2 loại cà phê trên thị trường Brazil là 1.805 USD/tấn hay chừng 82 cts/lb. Giá arabica giảm nhanh chóng do năm nay quá được mùa. Đây cũng là cách để arabica giành lại thị phần từ robusta.
Theo nhận định của công ty môi giới Safres&Mercado, tính đến nay, Brazil đã bán 60% lượng hàng xuất khẩu của niên vụ 2022/23, 2% cao hơn so với bình quân 5 năm, nhờ đợt tăng giá mạnh trước đây trên sàn arabica.
Giá cả
Các đồng nội tệ ở nhiều nước xuất khẩu giảm giá so với USD tạo sức ép bán ra là một lẽ, giới đầu tư tài chính (quỹ quản lý vốn) mạnh tay bán thoát những hợp đồng dư mua hàng giấy làm giá cà phê hai sàn cùng giảm sau một tuần giao dịch. Tính đến 21/10, kết quả chung cuộc như sau:
Sàn robusta giảm 55 USD hay -2,68% chốt tại 1.996 USD/tấn trong biên độ 2.103/1.967.
Sàn arabica giảm 7,20 cts/lb tức 159 USD/tấn tương đương với -3,73% với biên độ 198,10/181.85 cts/lb.
Giá kỳ hạn tháng 1/23 robusta mất 55 USD/tấn thì giá cà phê trong nước cho hàng giao ngay rớt về 45,7 triệu đồng/tấn, mất hơn 1 triệu đồng so với tuần trước.
Giá cà phê mua sớm để giao trong tháng 11 và 12/22 có doanh nghiệp trả 45 triệu hay thấp hơn đôi chút. Giá mua xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ được các doanh nghiệp xuất khẩu chào mua dưới 200 USD/tấn thấp hơn giá niêm yết tháng 3/23 của London.
Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 24-28/10/2022: Chờ một cú chỉnh tăng. Nhưng đến đâu?
Chưa nói đến sức ép chốt giá từ nhóm bán hàng xuất khẩu, chỉ nhìn vào vị thế kinh doanh của các quỹ quản lý vốn vào ngày khóa sổ 18/10 vừa mới phát hành sau khi hai sàn cà phê đóng cửa phiên giao dịch ngày cuối tuần, có thể hiểu phần nào vì sao giá cà phê tuần qua rớt khá mạnh, nhất là arabica. Tính đến thời điểm ấy, lượng hợp đồng mua khống trên cả 2 sàn giảm đi nhiều. Sàn arabica chỉ còn 12.072 lô sau khi cả tuần bán khống chừng 22 nghìn lô. Sàn robusta còn 4.089 lô sau khi bán 10.485 lô.
Hình 2 Đồ thị diễn biến giá robusta London cơ sở tháng 01/23 (nguồn: Phan Trọng Nghĩa)
Các động thái trên sàn London như muốn tìm về điểm xuất phát theo hướng tăng 1.915 lập ngày 15/7/22 nếu nhìn theo đồ thị của nhà phân tích độc lập Phan Trọng Nghĩa.
Dù tuần qua, đã nhiều ngày vào vùng bán quá mức (RSI 14 dưới 30%) trên cả 2 sàn cà phê, nhưng giá vẫn cứ rớt do sức ép tâm lý trước một đồng USD mạnh và mối nghi ngại tăng lãi suất đồng USD nhiều.
Nếu như lúc nào đó trong tuần này giá trượt khỏi 1.967 (đáy tuần trước), thì khả năng sàn này muốn thử lại 1.915. Trong kịch bản xấu nhất, nếu mất 1.915 thì London sẽ đi luôn và đi xa.
Hướng tăng miễn là không mất 1.967, thì London có lẽ tìm lên trên 2.000 và chạy lên vùng 2.060-2.063. Ở đây, có thể ngập ngừng nhưng nếu vượt qua được trong một lần đóng cửa, niềm tin của người kinh doanh theo kỹ thuật sẽ đặt đến 2.100.
Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Cơ hội làm giá cho các nước sản xuất.
Vanusia Nogeira, TGĐ điều hành Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) lo ngại lạm phát và lương người lao động không tăng kịp sẽ ảnh hưởng đến sức tiêu thụ cà phê tại các chuỗi quán và nhà hàng. Thay vào đó, bà hy vọng người dân các nước sẽ uống cà phê tại nhà nhiều hơn. Mối lo cho nhóm kinh doanh cà phê đặc sản nhưng là một kỳ vọng tích cực cho nhóm kinh doanh thương phẩm robusta.
Có lẽ chính vì thế mà phía arabica phải nhượng bộ để giành lại thị phần. Điều náy được phản ánh trên giá cách biệt giữa sàn arabica với robusta, từ trên 130 cts/lb thì nay dưới 100 cts/lb, thậm chí có lúc còn 93 cts/lb.
Tuy giá cách biệt không mấy thuận, nhưng dự báo về tiêu thụ của bà TGĐ ICO xem ra robusta có lợi thế hơn.
Mặt khác, tỷ giá tiền VND so với USD nay thông thoáng hơn, khuyến khích xuất khẩu cà phê tốt hơn. Thật vậy, lần đầu tiên sau 7 năm, Ngân hàng Nhà nước đã nới lỏng biên độ tỷ giá thêm +/- 2%, lên +/- 5%, giúp trần ngoại tệ các ngân hàng được phép tăng – hiện lên 24.800 đồng. Các ngân hàng đồng loạt tăng giá USD lên mức cao kỷ lục.
Ngày 17.10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức +/- 3% lên +/- 5%. Sở giao dịch NHNN đã tăng tỷ giá 455 đồng, lên 24.380 đồng/USD. Nhiều ngân hàng thương mại đã tăng giá bán USD lên 24.500 VND, thậm chí thị trường tự do đã qua mức 25.000 VND/1 USD.
Như vậy, trong những tháng đầu niên vụ 2022/23 thậm chí có thể kéo dài đến năm 2023, giá cà phê nội địa chịu tác động lớn từ tỷ giá VND.
——————————————————————-
- “Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá bán USD”, Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, tại https://thitruongtaichinhtiente.vn/ngan-hang-nha-nuoc-tang-ty-gia-ban-usd-42514.html#:~:text=T%E1%BB%B1u%20chung%20l%E1%BA%A1i%2C%20VNDIRECT%20d%E1%BB%B1,%C4%91%E1%BB%93ng%20USD%20trong%20n%C4%83m%202022.
Tác giả: Nguyễn Quang Bình
Hits: 164
1 Trackback / Pingback
Comments are closed.