Nhận định giá cà phê thế giới từ 21-26/05/2018

Diễn biến giá cà phê tuần từ 14-19/05/2018: Giá kỳ hạn ở khu vực thấp dao động không mạnh.  

Hình 1

Hoạt động giá trên hai sàn kỳ hạn cà phê không mấy nhộn nhịp trong tuần qua. Trên sàn robusta London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường lấy giá niêm yết ở đó làm tham chiếu, đóng cửa ngày 18/05/18 chốt mức 1762 Usd/tấn, tăng 4 Usd so với một tuần trước đó. Sàn arabica New York lại giảm 1.40 cts/lb tương đương với âm 31 Usd/tấn để đạt 118 cts/lb (xem hình 1).

Dù ở khu vực thấp, giá robusta còn trụ được vì không bị các yếu tố như chỉ số đồng Usd và tỷ giá đồng nội tệ Brazil là Reais Brazil (BRL) chi phối mạnh như sàn New York. Thật vậy, tác động của các chính sách tiền tệ lên giá arabica New York thấy rất rõ: khi chỉ số USD tăng, giá loại hàng hóa nào lấy đồng Usd làm phương tiện giao dịch đều có khả năng rớt nhiều hơn do chi phí tài chính cao hơn; riêng về sàn New York, nơi giao dịch các hợp đồng arabica, đồng BRL mất giá đã gây sức ép bán ra từ nông dân Brazil, là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê arabica hàng đầu thế giới.

Chỉ số USD đến 18/05/18 giao dịch quanh mức 93,64 điểm so với 88 điểm vào đầu tháng 02/2018. Đồng nội tệ Brazil BRL vào tháng 09/2017 quanh 1 Usd ăn 3,08 BRL thì nay ăn 3,74 (xem hình 1).

Tồn kho cà phê tại các khu vực tiêu thụ vẫn còn lớn dù mới qua mùa tiêu thụ chính là đông-xuân. Con số thống kê hiện có được cho thấy tồn kho cà phê đếm được trong kho các nước tiêu thụ chừng 1,25 triệu tấn. Đó là chưa kể còn chừng 0,25 triệu tấn nằm tại các nhà máy, trên đường trung chuyển…để có con số 1,5 triệu tấn khi mùa mới của Brazil chuẩn bị ra rộ và hàng robusta Indonesia càng lúc càng được chở ra cảng xếp hàng nhiều.

Đối với giá kỳ hạn robusta London, giá đầu tuần thấp cuối tuần cao. Nên giá cà phê nội địa đã từ khu vực 36 triệu lên 37 triệu đồng mỗi tấn trong những ngày đầu tuần này.

Dự báo tuần từ 21-26/05/18: “Lành ít, dữ nhiều”.

Hình 2

Dao động giữa đỉnh và đáy của sàn kỳ hạn robusta London rất hẹp, chỉ 42 Usd khi sàn này cố thoát khỏi khu vực cận hàng rào 1700, là mức tâm lý quan trọng hiện nay.

Đóng cửa cuối tuần trước tại 1762, dưới đỉnh trong tuần chỉ 4 Usd và chưa vượt khỏi các đường bình quân động (BQĐ) 20/50/100 ngày tương ứng với 1769/1765/1770, sàn London tỏ ra chưa thực sự tạo được xung lực tăng. Vì nếu như các quỹ đầu tư tài chính muốn mua, chỉ cần gom một ít hợp đồng nữa là các mức trên đều có thể đạt.

Trong khi đó, sàn arabica New York không thể giúp London vì bản thân nó cũng rất yếu, cộng với các tác động tiêu cực lên giá hàng hóa nói chung và cà phê nói riêng như đã trình bày ở trên (chỉ số USD tăng / BRL mất giá), sàn robusta phải lừng khừng đi quanh các mức “vô thưởng vô phạt” để chờ thời.

Đối với sàn London, vượt qua và đóng cửa trên 1771 Usd mới tính chuyện đi xa hơn. Nhưng để dứt khoát chọn hướng tăng, sàn này phải thoát lên trên mức 1800 với lượng giao dịch cực lớn (xem hình 2).

Tuần qua, London không làm được chuyện ấy (vượt 1771), thì xu hướng tuần này vẫn được cho là yếu về kỹ thuật. Nếu những ngày đầu tuần, vì một lý do gì không đóng cửa qua khỏi 1771, giá sàn này dễ quay về 1700 và thấp hơn thế nữa.

Thị trường cà phê trong nước: Giai đoạn giá “ăn theo tin thời tiết”.

Bộ phận thống kê và định mức nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp Brazil (Conab) ước báo sản lượng cà phê niên vụ 2018-2019 đang thu hoạch của họ có thể đạt đến 58,04 triệu 60kg bao trong đó gồm 44,33 triệu bao arabica và 13,71 triệu bao robusta.

Trước đây, đơn vị này hiếm khi đưa ra con số to như lần này. Nhưng so với nhiều ước báo khác, con số của Conab vẫn còn nhỏ hơn chừng 3-5 triệu bao. Riêng về sản lượng robusta, mới đây cũng đã từng có đơn vị khác của Brazil ước đến trên 18 triệu bao.

Đó là một tin tiêu cực cho giá cà phê thế giới. Cộng với các yếu tố tiền tệ như đã nói phía trên, giá cà phê kỳ hạn khó đường phá rào lên mức cao hơn so với mức hiện nay là 37 triệu đồng mỗi tấn.

Mua bán xuất khẩu không mạnh vì một mặt giá kỳ hạn thấp, giá xuất khẩu tính trên trừ lùi rẻ (-120 Usd/tấn FOB dưới giá niêm yết), sức bán cạnh tranh mạnh của hàng arabica…giá cà phê robusta trong nước khó có đột biến tăng.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Brazil đang vào mùa rét và khả năng rủi ro về thời tiết như sương giá tại vùng trồng cà phê Brazil, giá cà phê có thể đổi hướng bấy kỳ lúc nào khi các vùng cà phê Brazil xuất hiện giá lạnh (dù đó có thể là tin giả).

NGUYỄN QUANG BÌNH, trên NCIF 21-5-2018

Hits: 136