Nhận định giá cà phê thế giới từ 01-06/10/2018: Nhìn lại năm kinh doanh 2017-2018

Diễn biến thị trường kỳ hạn cà phê niên vụ cũ

Hình 1

Niên vụ cà phê 2017-2018 chấm dứt vào ngày 28/09/18 với giá trên hai sàn kỳ hạn cà phê robusta London và arabica New York tăng mạnh. Sàn London tăng 2,51% và New York tăng 3,17% so với ngày giao dịch trước đó là 27/09.

Dù vậy, nếu có một kết luận ngắn gọn cho niên vụ vừa qua, thì đấy là một năm ‘’được mùa mất giá’’ rất tiêu biểu.

So giá đóng cửa của ngày giao dịch đầu tiên và cuối cùng của niên vụ vừa mới qua, giá kỳ hạn robusta London mất 453 Usd/tấn và arabica New York giảm 24.75 cts/lb hay 545 Usd/tấn. Như vậy,  tương đương giảm 22,6% đối sàn Robusta và arabica giảm 19.5% (xem hình 1 – phía phải màn hình).

Giá cà phê trên hai sàn giao dịch quốc tế giảm được giải thích về mặt cung-cầu, xuất khẩu cà phê thế giới tăng, cộng với Brazil được mùa lớn trong niên vụ mới. Theo Bộ Nông nghiệp nước này, sản lượng cà phê niên vụ 2018/19 của Brazil ước phải đạt tới 59,91 triệu bao (60 kg x bao). Nếu con số này đúng, đấy là sản lượng lớn kỷ lục chưa từng thấy.

Trong khi đó, Tổng cục Thống Kê cho biết xuất khẩu cà phê Việt Nam niên vụ 2017/18 ước đạt 1.804.421 tấn, tăng 206.883 tấn so với niên vụ 2016/17. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2018, khối lượng cà phê xuất khẩu Việt Nam đạt 1.456.498 tấn, tăng 238.245 tấn so với cùng kỳ 2017. Trong kỳ ấy, dù tăng về khối lượng, giá trị không tăng, đạt chừng 2,76 tỷ Usd. Nhưng một trong những tác nhân chính làm giá cà phê trên hai sàn kỳ hạn giảm trong suốt 12 tháng qua là nghe tin cà phê Brazil được mùa và dự đoán Việt Nam tăng xuất khẩu, các quỹ đầu tư tài chính trên sàn đã bán khống xối xả, đã đẩy giá cà phê rớt ngay từ những ngày đầu cho đến ngày cuối niên vụ cũ. Thật vậy, đến hết ngày báo cáo mới nhất 25/09, họ đã tăng lượng dư bán trên sàn robusta London lên gấp 14,5 lần và trên sàn arabica New York tăng gấp 3,5 lần (xem con số cụ thể tại hình 1 – phía trái màn hình).

Nguồn cung ứng xuất khẩu dồi dào cộng với lượng bán khống trên sàn kỳ hạn liên tục phá kỷ lục đã tạo cho giá kỳ hạn xuống đáy sâu trong thời gian cuối vụ.

Thị trường cà phê trong nước gắn liền với giá kỳ hạn, từ 43 triệu đồng mỗi tấn đầu niên vụ, giá cà phê nguyên liệu giảm dần đến 31,5 triệu trong nửa đầu tháng 09/2018 để đến đầu niên vụ đang giao dịch quanh mức 33,5 triệu đồng mỗi tấn. Giá xuất khẩu cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ niên vụ 2017/18 cũng giảm đáng kể, dao động trong khu vực 1446-1729 Usd/tấn so với năm kinh doanh trước đó là 1875-2180 Usd/tấn. Giá xuất khẩu cùng loại dựa trên mức chênh lệch giữa điều kiện giao hàng qua lan can tàu (FOB) với giá niêm yết sàn kỳ hạn robusta London dao động từ trừ 30-100 Usd/tấn dưới giá London, càng về sau khi giá kỳ hạn càng thấp, mức chênh lệch càng co lại tức cao hơn.

Bức tranh thị trường đầu niên vụ 2018-2019

Giá kỳ hạn cà phê tuần cuối cùng của niên vụ cũ tăng khá mạnh. Qua một tuần giao dịch tính đến 28/09, sàn robusta tăng 65 Usd từ 1489 lên 1554 Usd/tấn, sàn arabica tăng 2.55 cts/lb tức 56 Usd/tấn từ 99.90 lên 102.45 cts/lb.

Đối với các nhà kinh doanh cà phê, phiên giao dịch ngày 28/09 là phiên cuối vụ, nhưng đối với các nhà đầu tư trên các thị trường tài chính đấy cũng là phiên cuối tuần, cuối tháng và cuối quý 3 năm 2018.

Hình 2

Đợt chỉnh tăng mạnh trong ngày cuối được cho là một phiên điều tiết và chỉnh vốn giữa các sàn với nhau. Hai sàn cà phê mất nhiều thì được điều chỉnh tăng để cân đối với mặt bằng giá hàng hoá nói chung. Với sàn arabica New York, đấy là phiên có giá đóng cửa tăng sau 3 ngày liên tiếp và London có một chuỗi tăng suốt cả tuần giao dịch với 5 phiên liên tiếp. Đợt tăng giá trên hai sàn kỳ hạn là một bắt đầu cho một đợt tăng từ đầu vụ hay một dấu chấm hết cho đợt tăng chỉnh giá của các quỹ đầu tư khi thị trường chuyển qua quý 4 năm 2018?

Thị trường cà phê hiện nay rất phụ thuộc vào lượng dư bán của các quỹ đầu tư trên 2 sàn kỳ hạn. Nếu họ vẫn tiếp tục nhồi lượng dư bán lên, hướng giá giảm vẫn khó thoát nhất là khi lượng bán xuất khẩu của hai nước lớn nhất Brazil (arabica + robusta) và Việt Nam (robusta) đang còn nằm phía trước.

Số liệu tồn kho cà phê tại các vùng tiêu thụ có được đến cuối tháng 09/2018 vẫn ở mức cao với gần 1,28 triệu tấn. Lượng cà phê đạt chuẩn (certified) trên sàn arabica vẫn tăng đều và mạnh chứng tỏ các nước xuất khẩu arabica như Brazil và Colombia đang không ngừng đưa hàng qua sàn kỳ hạn để tìm cơ hội. Trong khi đó, sàn kỳ hạn London đang ở mức thấp, chỉ 88.740 tấn (xem hình 2) . Hàng robusta đạt chuẩn Việt Nam không đến sàn được do giá trong nước cao. Liệu sẽ có bất ngờ không khi hàng robusta Brazil được đưa đến tham giá trên sàn? Khi hàng robusta Brazil được đưa qua sàn, thì đó là dấu hiệu cho thấy Brazil chịu bán giá rẻ và muốn chia thị phần với robusta Việt Nam.

Hướng giá tuần từ 01/10-06/10/18 tính theo kỹ thuật

Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, giá kỳ hạn robusta London chốt tại 1554 sau khi chạm đỉnh 1561 Usd/tấn. Vượt khỏi 1523, London đã đi thêm gần 40 Usd và dừng tại 1554. Đó được xem là một cung đoạn hoàn chỉnh rất ‘’kỹ thuật’’. Tuy giá tăng, toàn cảnh bức tranh kỹ thuật chỉ tích cực mang tính giai đoạn, chủ yếu vẫn còn tiêu cực.

Từ nay, hai chốt quan trọng có thể làm thay đổi cục diện giá trên sàn kỳ hạn robusta là 1522 và 1562. Nếu vượt khỏi 1562, London có thể tiếp tục chinh phục 1580 rồi 1600. Mức 1600 là một cứ điểm kháng cự quan trọng. Trong trường hợp giảm xuống dưới 1522, London sẽ tìm về 1500 và 1486.

Nhìn theo kỹ thuật, đà tăng còn. Nhưng liệu ở mức này, các nước sản xuất bắt đầu bán ra? Sau 5 ngày liên tiếp tăng và bùng phát ngay ngày cuối quý 3-2018, liệu các quỹ đầu tư còn điều tiết giá cà phê tiếp tục hay sau 5 ngày tăng trên sàn robusta London và 3 ngày trên arabica New York, họ lại thiên về hướng bán vì lượng mua bù thực tế đã đủ để họ bán lại?

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 89