(TBKTSG) – Với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 3 tỉ đô la Mỹ, cà phê là một trong vài mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Tuy giá trị xuất khẩu cà phê được giữ vững, nhưng đánh giá cả niên vụ 2017-2018 chấm dứt vào ngày 30-9-2018 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng đây lại là một năm “được mùa mất giá”.
Lúng túng vì thiếu thông tin
Tổng giá trị xuất khẩu hầu như không giảm, nhưng khối lượng xuất khẩu cà phê trong niên vụ vừa qua tăng rất mạnh. Tổng cục Thống kê ước lượng xuất khẩu cà phê niên vụ 2017-2018 của Việt Nam đạt trên 1,8 triệu tấn, tăng 200.000 tấn so với vụ trước đó.
Cả một năm qua tính từ ngày 1-10-2017 cho đến ngày cuối cùng 30-9-2018 của niên vụ, giá cả thị trường mặt hàng được vinh danh là “vàng nâu” này hoàn toàn đi theo hướng bất lợi. Giá cà phê trên sàn kỳ hạn và thị trường trong nước “đổ đèo” liên tục. Giá kỳ hạn robusta London từ trên 2.000 đô la Mỹ mỗi tấn thì đến cuối vụ còn quanh 1.550 đô la sau khi vượt khỏi đáy ở mức 1.465 đô la vào đầu tháng 9-2018. Cùng thời gian ấy, giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen bể, cũng đi cùng chiều với sàn kỳ hạn, từ 43 triệu đồng xuống còn 33 triệu đồng, mất cả chục triệu đồng mỗi tấn. Giá xuất khẩu cùng loại giảm bình quân từ 400-500 đô la mỗi tấn so với niên vụ 2016-2017.
Nếu người nào từ đầu niên vụ quyết định mua trữ để bán cuối vụ thì nhiều khả năng bị thua lỗ vì tính chung cả năm kinh doanh giá sàn kỳ hạn London đã mất đến 22,5%.
Giá cả bất lợi là một phần, phần khác rất nhiều nhà kinh doanh và sản xuất cà phê thiếu thông tin và các cơ sở phân tích dữ liệu thị trường. Cho đến hết tháng 7-2018, cả nước đã xuất khẩu được trên dưới 1,55 triệu tấn thì Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) vẫn cho rằng sản lượng cà phê cả vụ trước mất mùa, chỉ đạt 1,55 triệu tấn(*). Thực tế trong 12 tháng của niên vụ, tính đến hết tháng 9-2018, lượng cà phê xuất khẩu đạt 1,8 triệu tấn, không kể tồn kho chưa bán được còn nằm rải rác trong các kho nội địa. Không chỉ lao đao vì giá cả thị trường, nhà sản xuất, kinh doanh cà phê trong nước còn hết sức lúng túng trong việc quyết định bán hay giữ hàng tồn kho do thiếu thông tin như nói trên.
Lý do mất giá
Con số thống kê chính thức mới nhất của Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) cho thấy khối lượng xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 11 tháng đầu niên vụ cũ (tháng 10-2017 đến tháng 8-2018) tăng 1,6%, đạt 112,52 triệu bao (60 ki lô gam/bao) so với 110,77 triệu bao cùng kỳ năm 2017(**).
Trước thông tin cho rằng áp lực thị trường từ phía cung đang rất mạnh, khi mà Brazil năm nay đạt đến gần 60 triệu bao theo con số dự báo chính thức của Bộ Nông nghiệp nước này và Việt Nam có thể đạt 30 triệu bao, đã thúc đẩy thị trường nghiêng về phía nôn nóng bán ra, trong khi phía mua vào dè dặt, với tâm lý là chờ đợi.
Ngay cả các quỹ đầu cơ tài chính trên hai sàn kỳ hạn cà phê đều đua nhau bán khống, là căn nguyên dẫn đến giá kỳ hạn giảm, tới nay chưa biết điểm dừng. Nếu tính mức độ tăng lượng dư bán hàng giấy hay còn gọi là hàng ảo của hai sàn cà phê ở hai thời điểm đầu và cuối niên vụ vừa qua, sàn London tăng gấp 14,5 lần, lên 350.480 tấn, sàn New York tăng 3,5 lần, đạt 1,86 triệu tấn.
Tồn kho cà phê hàng thực ở các vùng tiêu thụ chính của thế giới vẫn còn rất cao, gần 1,3 triệu tấn tính đến đầu niên vụ mới bắt đầu từ 1-10-2018, đủ để sử dụng trong vòng từ 12-16 tuần mà vẫn không lo thiếu hàng cho hoạt động sản xuất của nhà máy.
Trong khi đó, các nhà xuất khẩu cà phê lớn nhỏ của Việt Nam đang đi xa dần các hãng chế biến thực phẩm lớn của thế giới. Hay nói đúng hơn, những hãng rang xay và chế biến cà phê ít nhiều có uy tín toàn cầu tỏ ra ngại ngần khi mua trực tiếp từ các nhà xuất khẩu Việt Nam mà thích mua từ các công ty trung gian hơn. Đấy là những doanh nghiệp nước ngoài có vốn đầu tư trực tiếp (FDI) hay các công ty có trụ sở ở nước khác. Đương nhiên, khi bán hàng qua tay người thứ ba, giá thụ hưởng thường bị cắt ít nhiều, nhưng lát cắt bị mất lớn nhất chính là cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu càng lúc càng xa dần.
Như vậy, sau bao nhiêu năm xuất khẩu trực tiếp, các nhà xuất khẩu cà phê lại có nguy cơ quay về với vai trò khiêm nhường là “bán hàng dạo”, giá được chăng hay chớ, nông dân thiếu chỗ dựa vững chắc từ người mua hàng xuất khẩu là các công ty trong nước.Đứng trước tình hình khó khăn, một số nhà sản xuất gồm cả nông trường và nông dân nhỏ lẻ trong ngành cà phê đã chuyển sang đa canh như trồng thêm cây tiêu, sầu riêng hay bơ để bảo đảm thu nhập.
Trong khi nhiều nông dân lo ngại sản lượng cà phê tăng mạnh ở trong nước cũng như trên toàn thế giới, họ giảm diện tích cà phê, thì chương trình tái canh cây cà phê để tăng sản lượng xem ra khó đem lợi ích thiết thực cho thị trường trước mắt và lâu dài, ít ra trong vòng từ 3-5 năm, nếu không nói là sản lượng tăng từ chương trình này gây thêm áp lực lên giá.
(*) http://cafef.vn/gia-ca-phe-xuat-khau-thang-7-2018-tiep-tuc-giam-20180813134126273.chn
(**) https://www.commodityonline.com/commodity-news/global-coffee-exports-up-63-in-august/news-now/22693
TBKTSG 13/10/18
Hits: 137