Tuần qua, thị trường ghi nhận có lúc giá cà phê xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ chạm mức 37,5 triệu đồng mỗi tấn, nhưng sau đó rất nhanh chóng giảm để chỉ còn 37 triệu đồng vào đầu tuần này.
Thị trường mua bán hàng thực robusta nhìn chung khá yên ắng, hoạt động giao dịch hàng arabica có vẻ nhộn nhịp hơn. Sở dĩ như thế vì giá cách biệt giữa hai sàn đang có lợi cho arabica.
Một đơn vị nghiên cứu thuộc bộ nông nghiệp Brazil ước nông dân Brazil đã bán trước 20% sản lượng niên vụ 2018 tương đương với 12 triệu bao (60 kg x bao) dù cà phê arabica nước này phải đến tháng 07/2018 mới thu hái.
Thị trường cà phê cả kỳ hạn lẫn hàng thực chuẩn bị vào mùa hè, thường là giai đoạn tiêu thụ giảm.
Trong khi đó, tin đồn sản lượng và sức bán cà phê của Brazil đều tăng, xuất khẩu cà phê Việt nam 6 tháng đầu năm ước tăng 15% đạt 520.000 tấn, cũng làm giá kỳ hạn và nội địa thêm khó khăn.
Xét về cung-cầu, chưa thấy có lý do để giá cà phê trên các thị trường tăng. Từ nay đến hết tháng 05/18, giá cà phê hàng thực có tăng chăng là nhờ dựa vào hoạt động các dòng vốn trên các sàn kỳ hạn và chính sách tiền tệ.
Trước mắt, nếu giá nội địa giữ được mức 37-37,5 triệu đồng mỗi tấn như hiện đã là quá lý tưởng. Bằng không, trong một thị trường mua bán yếu, giá cà phê nội địa sẽ dao động từ mức cao ấy đến 36 triệu đồng mỗi tấn là mức thấp. Sở dĩ giá nội địa khó xuống sâu hơn vì nghiệm rằng lượng cà phê bán ra sẽ ít và chậm dần nếu giá kỳ hạn giảm.
Nguyễn Quang Bình
Hits: 530