Thị trường hồ tiêu: Cây lặng nhưng gió chẳng dừng (*)

thị trường cà phê
vườn hồ tiên Dak r'moan Daknong . Ảnh NQB

Thị trường hồ tiêu: Cây lặng nhưng gió chẳng dừng.

Nguyễn Quang Bình

Hoạt động mua bán hồ tiêu mấy tháng nay khá vắng lặng. Bốn tháng đầu năm 2022, cả nước xuất khẩu được chừng 80 ngàn tấn hồ tiêu, giảm 15,5% về lượng nhưng kim ngạch xuất khẩu tăng 29,2% đạt gần 370 triệu đô la Mỹ so với cùng kỳ năm 2021.

Dù xuất khẩu giảm, nhưng nhập khẩu tăng đến 7% đạt trên 12,1 ngàn tấn. Lượng hồ tiêu nguyên liệu tại thị trường trong nước không thiếu, song có nhà kinh doanh một mình nhập đến gần 5 ngàn tấn tiêu từ các nước xuất khẩu cạnh tranh như Campuchia, Brazil và Indonesia. Có thế nói rằng các doanh nghiệp hồ tiêu Việt Nam đã “bán dùm” cho các nước bạn đến 1/7 trong tổng lượng mình xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm nay. Nhìn qua thấy kỳ kỳ nhưng còn nhiều thứ lạ hơn trên thị trường hồ tiêu hiện nay.

Quyền ra giá trong tay ai?

Cuộc chiến trên các mạng xã hội để giành diễn đàn thông tin về thị trường mặt hàng gia vị này trong nước vẫn chưa có một ngày ngưng nghỉ, dù giá trên thị trường nội địa cứ như “con sông dùng dằng con sông không chảy”, lên xuống suốt mấy tháng nay thu hẹp trong khu vực 75 đến 80 triệu đồng mỗi tấn.

Cú bật mạnh từ 35 triệu đồng nhảy lên trên 90 triệu đồng/tấn năm ngoái làm nhiều nhà xuất khẩu lỡ bán khống trước tìm hàng mua để thực hiện cam kết hợp đồng “xấc bấc xang ban”. Cũng từ đó, đã xuất hiện rất nhiều nhận định cho rằng giá hồ tiêu thế giới đã đến kỳ phục hồi mạnh. Không ít dự đoán giá hồ tiêu sẽ “dễ dàng” phi thẳng đến 100 rồi 120 triệu đồng/tấn trong niên vụ này. Qua kinh nghiệm xót xa năm ngoái, nhiều doanh nghiệp không dám bán trước, một số thiên về trữ hàng.

Như một phản ứng theo quán tính, nhiều người đã trút bán các mặt hàng nông sản khác, không loại trừ bán đất bán vườn để mua hồ tiêu trữ chờ giá thế giới tăng như kỳ vọng. Ít ai nghĩ rằng với thị phần xuất khẩu hồ tiêu toàn cầu của Việt Nam chiếm trên 40%, nên dù ở bất kỳ thời nào, giá xuất khẩu thế giới cũng đều bị chi phối bởi giá hồ tiêu Việt Nam.

Đã lỡ mua mức cao, bình quân chừng 80-82 triệu đồng/tấn, cộng với lãi suất và hao hụt tự nhiên do ngâm trong kho lâu ngày, nay lượng hồ tiêu mua trữ dễ có giá đầu vào lên quanh 85 triệu đồng/tấn, thì việc lượng xuất khẩu hồ tiêu trong thời gian qua giảm là điều dễ hiểu. Giá xuất khẩu tiêu đen chất lượng 500gr/lít cuối tháng 4-2022 quanh mức 3.750 đô la/tấn FOB (giao hàng qua lan can tàu), tương đương giá thành của hàng đang trữ chưa trừ chi phí làm hàng. Vậy là hàng trữ đành phải “ngậm” chờ cơ hội. Đó cũng là lý do để cho nhiều doanh nghiệp phải nhập khẩu lượng lớn bất thường hầu có hàng giao cho một số hợp đồng đã ký bán. Không loại trừ khả năng thị trường hồ tiêu yên ắng thời gian gần đây còn do một lượng vốn rất lớn bị đọng do lượng trữ khá lớn, thì sao không sinh ra cảnh mua bán “tiến thoái lưỡng nan”, thiếu lực thanh khoản?

Nhưng cũng nên biết rằng không phải ai cũng “ra giá” được. Chỉ một số doanh nghiệp cốt “tử thủ” trữ hàng số lượng lớn từ vài ba đến năm sáu ngàn tấn. Họ chê mức giá hồ tiêu nội địa hiện nay? Thật ra, trong số các doanh nghiệp trữ hàng lớn ấy, không ít đơn vị là đại lý kinh doanh phân bón, nên có điều kiện để chờ giá lên đúng theo ý mình họ mới bán. “Chỉ qua một đêm, có khi tôi thấy lời năm bảy tỷ đồng do giá phân bón tăng đột ngột, chính bản thân mình là nhà kinh doanh phân bón chuyên nghiệp từ hàng chục năm nay cũng chẳng thể nào tin,” chủ một đại lý phân bón tại Tây Nguyên, vùng cung ứng nguyên liệu hồ tiêu trọng điểm của cả nước thật thà bảo thế. Nói vậy để thấy rằng dù giá xuất khẩu và nguyên liệu trong nước có giảm bao nhiêu, một số doanh nghiệp ghim hàng lớn như thế vẫn không ngại để chờ dịp may. Chỉ tiếc rằng cơ hội bán hồ tiêu xuất khẩu giá cao theo từng thời điểm không thể bắt kịp giữa lúc rủi ro giá hàng hóa nông sản nói chung, hồ tiêu nói riêng mỗi lúc một lớn, nhất là nhà vườn và đại lý thu mua cỡ nhỏ.

Thị trường còn nhiều trắc trở

Đó là nhận định của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đứng trước những biến chuyển mới, nằm ngoài dự đoán trước đây. Tuy vậy, hình như tâm lý không mấy nôn nóng muốn bán vẫn không mấy suy suyển.

Thường thị trường Trung Quốc chiếm chừng 20% lượng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam. Chính sách zero-Covid đang ngăn đường liên lạc của thương lái người Trung Quốc để hồ tiêu vạch được dòng chảy mà các chủ vựa hồ tiêu Việt Nam đang rất trông chờ. Trong 2 tháng đầu 2022, lượng nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam vào Trung Quốc giảm gần 79% so với năm 2021. Có phải vì vậy mà các chủ vựa “quyền lực” không thể cựa quậy được trong thời gian qua? Nay gặp lúc cảng Thượng Hải và một số tỉnh thành Trung Quốc đang nghiêm ngặt phong tỏa để chặn lây lan dịch Covid-19, đường đi của hồ tiêu Việt Nam sang thị trường rộng lớn này càng bị tù túng. Dù thế nào, một số doanh nghiệp thường bán hàng qua Trung Quốc vẫn còn tin rằng hàng hồ tiêu nay mai không đi đều thì thế nào cũng “từng chặp”, cơ hội chủ động làm giá của họ còn nhiều.

Như vậy, thị trường hồ tiêu hiện nay không hẳn là con sông “lười” như một số người theo dõi thị trường gán tên cho, nó chứa đầy sóng ngầm đấy chứ! Giá hồ tiêu nội địa có thể bùng phát bất kỳ lúc nào nếu như có tay thương lái nào đó bắt được sóng sớm một khi biện pháp phong tỏa Covid tại Trung Quốc hạ nhiệt. Mới đây, chính quyền trung ương Trung Quốc cho biết chưa thể thay đổi chính sách zero-Covid. Sự trông chờ cơ hội này của các đại gia hồ tiêu vin vào may rủi mang tính chờ thời nhiều hơn. Nhưng họ đâu có gì phải lo, vì lợi nhuận khủng trong kinh doanh phân bón có thể bù đắp tất cả. Khả năng xảy ra là ai tin vào giá hồ tiêu tăng bền vững thì còn phải chịu đựng lâu hơn vì quyền ra giá nằm trong tay một số người cung ứng hồ tiêu “không lo bị lỗ”.

Không như một số loại nông sản khác như lúa gạo và cà phê, lượng xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam hàng năm đạt hàng triệu tấn. Chính vì vậy mà các hãng tàu biển thường có chính sách riêng về giá cước. Lượng lưu chuyển hồ tiêu không nhiều, toàn cầu chỉ quanh 500-600 ngàn tấn. Do vậy, lượng đặt containers và mua chỗ không nhiều, nên giá cước cho hồ tiêu không hề “mềm” so với các loại nông sản khác. Đây là một trở ngại lớn khi giá cước tàu biển đang cao lênh khênh, thì người kinh doanh hồ tiêu phải trả phí chuyên chở cao hơn. Cảng Thượng Hải vẫn chưa được “thả”, còn đe dọa một đợt khủng hoảng chuỗi cung ứng và tàu biển mới. Vì thế, nhà nhập khẩu chỉ mua khi thật cần thiết, còn hầu hết thường phải chờ phí chuyên chở mềm hơn. Nhưng ai đoán đúng được đến khi nào cước mới dịu xuống và tới mức nào? Chi phí tăng, khó có thể bắt người kinh doanh trung gian chịu mà hoặc là nhà cung ứng hoặc/và người tiêu thụ phải chia nhau gánh vác.

Nói thì như thế, nhưng sẽ rất khó thấy giá hồ tiêu xuống những mức sâu cũ như 35-40 triệu đồng/tấn chẳng hạn. Còn kỳ vọng tăng lên 90-100 triệu đồng/tấn cũng phải chờ không chừng đến “sốt ruột” vì tình hình hiện nay chưa thể có “cây đũa thần” nào giúp giá nhích lên. Thật vậy, nếu như cuộc chiến Nga-Ukraine còn kéo dài, giá phân bón tăng, nhà vườn trồng hồ tiêu chịu không xiết, bỏ bê chăm sóc; nếu như bà con nông dân nóng lòng bán đất do giá đất nông nghiệp tại nhiều nơi đang được thổi phồng, nhiều vườn bị bỏ hoang do người mua đất vì mục đích kinh doanh bất động sản chứ không vì sản xuất nông nghiệp, thì thế nào sản lượng hồ tiêu nước đứng đầu thế giới giảm sẽ tạo cơ hội cho giá hồ tiêu không dừng ở mức đã từng kỳ vọng từ hơn một năm nay.

(*) đã đăng trên TC KTSG số 20-2022 ngày 19/5/22

Hits: 334