Nhận định giá cà phê thế giới từ 23-28/08/2021: Trông chờ thêm một đợt tăng trên sàn robusta.

Diễn biến thị trường tuần trước: Giá hai sàn cà phê có kết quả nghịch chiều.

Nếu hỏi yếu tố tác động nhiều nhất trên thị trường tài chính tuần qua là gì, thì chắc nên nhắc đến biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), ở đó ghi nhận những nhận định của Fed về tình hình kinh tế Mỹ trong giai đoạn vừa qua và những dự định cho thời gian tiếp tới.

Biên bản được Fed phát hành vào cuối ngày 18/08/2021 cho thấy ý định của cơ quan này muốn thu hẹp dần chương trình mua nợ gồm 120 tỷ Usd/tháng trước cuối năm nay nếu…

Có lẽ kế hoạch “gom tiền về” của Fed sẽ rất là suôn sẻ nếu như tình hình dịch bệnh tại Mỹ và trên thế giới không quá căng thẳng, ảnh hưởng đến công cuộc phục hồi kinh tế nói chung.

Biến chủng Delta trở thành mối lo ngại lớn cho ngành y tế và những nhà hoạch định kinh tế toàn cầu. Vào ngày 21/08, tại Mỹ ghi nhận có gần 86,5 nghìn ca lây nhiễm với 500 ca tử vong. Theo “worldometers.info”, trong 7 ngày qua, số ca lây nhiễm trên thế giới vẫn tăng 0,3% đạt gần 4,57 triệu lượt người, gồm Mỹ tăng 9% đạt hơn 1 triệu lượt so với 7 ngày trước đó, Châu Âu tăng 3% nhưng các nước nhập khẩu nhiều cà phê từ Việt Nam như Anh Quốc tăng 10%, Đức tăng 61%, Thụy Sỹ tăng 52%, Ba Lan tăng 12%…Tuy tỷ lệ lây nhiễm ở Châu Á tuần qua giảm, nhưng lại tăng rất cao ở Nhật Bản và Israel, cả 2 đều tăng 35%, cũng là 2 nước tiêu thụ cà phê của Việt Nam.

Chỉ số giá trị Usd là DXY lên mức cao nhất tính từ 2 tháng nay vì thị trường tài chính tin chính sách tiền tệ Mỹ có thể thay đổi. Các nhà đầu tư mua trữ Usd như là một cách bảo đảm an toàn cho đồng vốn của họ. Như vậy, lộ trình thu dần chương trình cung ứng vốn 120 tỷ/tháng nhanh hay chậm, gần hay xa phụ thuộc vào khả năng khống chế được biến chủng Delta của thế giới.

Chỉ số rổ hàng hóa thương phẩm CRB gồm 19 loại tuần qua giảm khi chỉ số giá trị Usd/DXY tăng lên vùng cao 93,50 điểm. Chỉ số CRB phản ánh giá hàng hóa thương phẩm giao dịch trên các sàn phái sinh. Tuần qua, giá kim loại đồng giảm xuống dưới mức 4 Usd/ld lần đầu tiên từ 4 tháng nay. Dầu thô có 7 ngày liên tiếp giá giảm. Đậu tương mất tới 3% còn 13,2 Usd/thùng, là mức thấp nhất tính từ cuối tháng 01/2021. Ngô, lúa mì, đường ăn đều giảm từ 1,6% đến hơn 2% và cà phê arabica sau một tuần cũng mất 2,29%.

Trong khi đó, đồng nội tệ Brl trong cặp tỷ giá UsdBrl mất giá, xuống mức thấp nhất tính từ tháng 06/2021 bấy giờ 1 Usd ăn 4,9 Brl. Đồng Brl yếu còn do tác động của chính sách tài chính và bất ổn chính trị tại Brazil, hơn nữa nhiều loại hàng hóa xuất khẩu của Brazil mất giá cũng làm suy yếu đồng nội tệ nước này. Chính vì thế, giá cà phê arabica giảm khá sâu nhưng robusta lại có dịp phục hồi.

Điểm tin cung-cầu trong tuần

Tồn kho cà phê đạt chuẩn 2 sàn cà phê

So với lần báo cáo trong bài nhận định tuần trước của NCIF, tồn kho cà phê đạt chuẩn tuần này như sau: sàn arabica New York đạt 129.293 tấn, giảm nhẹ so với 129.662 tấn, sàn robusta London giảm còn 140.450 tấn so với tuần trước là 141.740 tấn. Cà phê đạt chuẩn robusta giảm liên tục từ gần 4 tháng nay là yếu tố giúp giá sàn London vững hơn New York trong thời gian gần đây.

Đánh giá sơ bộ thiệt hại do các đợt sương giá tại Brazil gây ra

Các đánh giá đợt rét đậm rét hại cây cà phê tại Brazil trong tháng 07/2021 không giống nhau. Trước hết, chỉ một số điểm tại các bang phía nam nước này có ảnh hưởng, nhưng cần lưu ý rằng nền nhiệt độ miền nam thường ấm hơn miền bắc. Theo TRS (Trung tâm Dịch vụ Nghiên cứu Nhiệt đới), chỉ chừng 4% diện tích cả nước chịu ảnh hưởng chứ không đại trà nên sản lượng 2022 chỉ giảm chừng 2,7% trong tổng sản lượng năm được mùa 68 triệu bao. Nếu như đánh giá arabica giảm 6,3 triệu bao thì ắt là robusta sẽ tăng mạnh bù cho lượng arabica mất. Trong khi đó một số nhà xuất khẩu Brazil thì báo mất nhiều như Guaxupe nói giảm 4,5 triệu bao, Comexim nói vùng họ (Minas Gerais) giảm 20%. Tuy nhiên, thị trường còn đợi vào cuối tháng 9 đầu tháng 10/2021 để xem Brazil có mưa hay không. Nếu không, giá arabica đình đám trở lại, nếu có mưa thì…không khỏi lao đao.

Giá cả

Kết quả ghi nhận khi đóng cửa cuối tuần trước, giá cà phê 2 sàn phái sinh đi ngược chiều.

-Giá London có tuần thứ hai liên tiếp tăng, lấy thêm 36 Usd để chốt tại 1.882 Usd/tấn trong biên độ dao động 1.827/1.893.

-Giá arabica New York mất 6.25 cts/lb hay giảm 138 Usd/tấn đứng tại 181.50 cts/lb với biên độ dao động 181.50/187.75.

-Giá cà phê nguyên liệu tại hầu hết các nơi đều 38 triệu đồng/tấn trở lên, có vùng giá mua lên đến trên 39 triệu đồng/tấn, tuy nhiên mức cao này không nhiều.

-Giá cà phê xuất khẩu giao dịch trên cơ sở tháng 01/2022 chào mua rất loạn, có người cần trả giá -100 Usd/tấn, người chưa cần -180 Usd/tấn FOB dưới giá niêm yết sàn London. Giá mua cách nhau nhiều chứng tỏ rằng sau nhiều tháng thực hiện giãn cách khắp nơi trên thế giới, thị trường cà phê phần nào đã đứt mạch ngay cả trên thị trường nội địa.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 23-27/08/2021: Hướng tăng chưa mất cơ hội

Đóng cửa tại 1.882 trong biên độ dao động 1.825/1.893, đồ thị tuần trước và tuần này của nhà phân tích độc lập Phan Trọng Anh cho thấy rằng sau khi đã thỏa mãn vùng đáy tại 1.827-1.836, giá London đã nhanh chóng vượt qua các nút kháng cự để chạm vùng 1.893 (1). Nhưng giá trong tuần cũng chỉ chạm đến mức ấy, dù sau đó thử vài lần, vẫn không vượt qua được 1.893.

-Đáy đã được nâng lên đáng kể tại vùng 1.827-1.830 nhưng nếu phóng khoáng một chút, có thể nói tại vùng 1.850.

-Hướng lên: Mức 1.893 thật là quan trọng đối với hướng tăng nay mai. Nếu như London không qua được vùng 1.891-1.893 trong tuần này thì có thể phải chỉnh giảm đôi chút trước khi băng lên 1.900/1.950.

Dù sao, đà tăng trên sàn London vẫn còn nên kỳ vọng cho tuần này tại vùng dưới 1.950 chưa nên loại trừ.

-Hướng xuống: Nếu London để mất 1.850, có thể lại quay về 1.830 nhưng điều lo lắng này chắc quá xa với thực tế vì lượng hợp đồng dư bán tuần trước giảm dưới 200.000 tấn và tồn kho cà phê đạt chuẩn tiếp tục giảm như đã nói ở trên.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Thị trường yên ắng nhưng giá vẫn được nâng dần

Dù tuần qua có nhà xuất khẩu trả giá cà phê thương mại có chọn lọc trên 39 triệu đồng/tấn, nhưng đó không phải là mặt bằng chung của thị trường. Vả lại, giao dịch mua bán trên thị trường nội địa rất “nhát gừng” vì lệnh giãn cách tại các vùng sản xuất và trung tâm logistics. Nhiều nước xuất khẩu và tiêu thụ cà phê hầu như án binh bất động do biến chủng Delta gây lây lan dịch bệnh quá nhanh và quá rộng.

Giá cà phê hiện nay tạm thời phục vụ cho công tác tài chính của các doanh nghiệp chuyên doanh. Nên các biến động giá trên sàn chưa thể phản ánh hết cung-cầu.

Tuy vậy, dự kiến trong tuần này giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ quanh mức 38-39,2 triệu đồng/tấn.

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 175