4-6-2018 Nhìn lại thị trường cà phê tuần trước đến 1-6-2018

nguyễn quang bình

Dao động khá mạnh trong điều kiện giá kỳ hạn thấp

Hình 1

Dao động 35 Usd từ mức cao đến thấp nhất cho cả một tuần là không nhiều (giữa 1762-1727), nhưng đối với thực tế của một thị trường giá thấp trên sàn kỳ hạn và trầm vắng trên thị trường xuất khẩu và hàng thực, thì khung trượt ấy cũng đáng kể.

Đóng cửa vào ngày 01/06/18 sau một tuần, giá robusta London mất 2 Usd chốt tại 1750 trong khi đó giá arabica New York lại tăng 2.35 cts/lb chốt tại 122.75 cts/lb, tương đương với dương 52 Usd/tấn (xem hình 1).

Giá arabica tăng so với robusta giảm đã giúp cho giá cách biệt giữa hai sàn New York với London giãn ra đáng kể có lợi cho thị phần robusta, từ 37.40 cts/lb cách đây một tháng thì nay 43.36 cts/lb tức từ 824 Usd tăng lên 956 Usd/tấn .

Chỉ số đồng Usd tăng mạnh, cuối tuần trước giao dịch tại 94.19 điểm là bất lợi cho giá hàng hóa thương phẩm nào lấy đồng Usd làm phương tiện giao dịch và thanh toán, trong đó có cà phê. Cộng thêm một đồng nội tệ Reais Brazil (Brl) yếu so với Usd (1 Usd ăn 3,76 Brl), kích thích nông dân Brazil bán mạnh. Hiện tượng này thường làm giá yếu trên các sàn kỳ hạn.

Nhìn kết quả giá kỳ hạn cà phê tuần qua, hình như thị trường không chịu chi phối bởi chính sách tiền tệ (đồng Usd và Brl). Giá “đứng được” trong giai đoạn vừa qua có thể nói rằng đó là sự thận trọng của giới đầu tư và kinh doanh cà phê khi Brazil, nước sản xuất và xuất khẩu cà phê số 1 thế giới, vào mùa đông. Thời gian này, chỉ cần còn tin trời Brazil “trở rét”, là giá có điều kiện vững dù cường độ rét bao nhiêu chưa cần biết.

Giá cà phê nội địa dao động trong khu vực 36,7 triệu đồng tại các tỉnh Tây nguyên và 37,2 triệu đồng mỗi tấn giao về các kho cảng quanh TP. HCM.

NGUYỄN QUANG BÌNH

Hits: 312