30/11/2019 Nhận định giá cà phê thế giới từ 25-30/11/19: Thị phần robusta đang có cơ hội.

Diễn biến thị trường cà phê tuần từ 18-23/11/19: Vì sao sàn arabica tăng mạnh mà không phải là robusta?

Hình 1

Bối cảnh thị trường

Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung Quốc vẫn treo lơ lửng. Dự luật nhân quyền và dân chủ Hong Kong được quốc hội Mỹ thông qua đang chờ chuẩn y của Tổng Thống Trump. Dự luật này gây thêm tranh cãi giữa 2 nươc và cản trở bước tiến của thỏa thuận đang được kỳ vọng. Trung Quốc phản đối dự luật mãnh liệt.

Giá cổ phiếu Âu Mỹ, nhất là Mỹ cứ dập dìu, nhưng chủ yếu theo hướng tăng lên các mức kỷ lục mới. Cuối tuần trước, TT Mỹ lại công bố thỏa thuận “giai đoạn 1” Mỹ-TQ sẽ được hai bên ký trong thời gian rất gần.

Thị trường hàng hóa phái sinh, đặc biệt các sàn nông sản phái sinh, chao đảo liên tục. Ngay trên sàn cà phê robusta London, chỉ trong vòng 3 ngày có mức chênh lệch nhau trên 100 Usd/tấn (1.441-1.335). Giá sàn arabica  giữa tuần tăng từ 106.15 lên đỉnh 116.80 cts/lb hay biên độ giữa đỉnh và đáy 10.65 cts/lb tương đương 235 Usd/tấn.

Thời tiết tại Tây Nguyên, vùng trọng điểm cà phê Việt Nam, thuận lợi cho thu hoạch. Cà phê niên vụ 2019-2020 bắt đầu ra dần.

USDA nói về cà phê Brazil 2019-2020

Trong thời gian này, thị trường tiếp nhận dự báo tình hình cà phê Brazil của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Báo cáo ước rằng sản lượng cà phê Brazil niên vụ mới đạt chừng 58 triệu bao (bao x 60 kg), giảm 10,5% so với năm trước. Trong đó, arabica mất mùa đạt chừng 39,9 triệu bao, robusta được mùa ước 18,1 triệu bao.

Cơ hội nằm ở giá cách biệt

Hiệu ứng của báo cáo là đã làm giá arabica giật lên mạnh. Đợt tăng mạnh trên sàn arabica có lẽ không xuất phát từ con số to hay nhỏ. USDA cho rằng chất lượng arabica Brazil năm nay dưới mức trung bình do thời tiết ẩm khi thu hái.

Cũng chính vì thế, giá cách biệt giữa 2 sàn cà phê arabica với robusta đã giãn ra mạnh.

Nếu như ở các tuần trước đây, mức cách biệt giữa arabica với robusta chung quanh 30 đến 42 cts/lb thì nay đã giãn ra đển trên 52 cts/lb (xem hình 1). Cụ thể là trước đây giá arabica cao hơn 800-900 Usd/tấn thì nay đã giãn ra chừng 1.150 Usd/tấn. Mức chênh lệch này cho thấy giá robusta dần dần rẻ hơn và thu hút người mua hơn.

Chỉ số cách biệt giữa 2 loại cà phê càng rộng, thị phần của robusta càng có nhiều cơ hội.

Giá kỳ hạn

-Nếu giá sàn arabica có kết quả tăng mạnh sau một tuần (+6 cts/lb hay 132 Usd/tấn), thì robusta chỉ tăng 4 sd/tấn chốt tại 1.402 (xem hình 1)

-Biên độ dao động giữa đỉnh và đáy của sàn robusta là 88 Usd/tấn (1.423-1.335), nhưng arabica rất rộng với 11 cts/lb (116.80-115.80) hay 243 Usd/tấn (xm hình 1).

-Đồng nội tệ Reais Brazil (Brl) vẫn nằm tại mức thấp: 1 Usd ăn 4,19 Brl (mức thấp kỷ lục 4,25 Brl xuất hiện trong tháng 09/2015).  Nhờ giá trị đồng Brl giảm, cà phê xuất khẩu Brazil bán giá cạnh tranh. Ước chừng 50-60% sản lượng năm nay đã được bán ra (USDA).

-Giá sàn London không tăng nhiều có phần do áp lực bán loại này từ Brazil. Chất lượng robusta nước này năm nay đạt (USDA). Ngoài ra, tâm lý chờ đợi áp lực hàng niên vụ mới từ Việt Nam cũng làm hạn chế hướng lên cho sàn này.

Giá trong nước

-Một đợt chốt giá mạnh khi London lên đỉnh 1.441 Usd/tấn (14/11/19) giúp mặt bằng giá cà phê trong nước giữ mức cao.

-Giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên chung quanh mức 33-33,5 triệu đồng/tấn dịp cuối tuần qua. Trước đó có lúc đã chạm 34-34,2 triệu đồng/tấn.

-Giá chào cà phê xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ vẫn giữ mức từ +80/+100 Usd/tấn Fob, bằng tuần trước đó.

Dự báo tuần từ 25-29/11/2019: Giá sàn robusta tìm cách đi riêng.

Vượt qua mức tâm lý quan trọng 1.400 để đứng tại 1.402 Usd/tấn phiên gần nhất. Biên độ dao động giữa đỉnh và đáy trong tuần là 1.423-1.335. Về kỹ thuật, tuần này có những nét chính cần lưu ý:

Giá sàn phái sinh London từ chối sự hỗ trợ của arabica. Từ nay, có lẽ sàn này có cách đi riêng trước áp lực bán của 2 nước xuất khẩu robusta đứng đầu thế giới là Việt Nam và Brazil.

Hình 2

-Đồ thị cho thấy vẫn phải sử dụng vùng 1.441-1.335 làm thành 2 đường biên trên và dưới.

-Nếu như vượt và đóng cửa trên 1.441, giá robusta rộng đường tăng lên trên 1.500. Vấn đề là tại mức kháng cự 1.441, London cần một lực mua cực lớn để thoát khỏi và giải phóng mình.

-Tuần trước, giá đã phá mức 1.366 (đáy 13/11/19) để xuống chạm 1.359 rồi 1.338-1.335. Nếu như sắp tới không trụ vững vùng này, khả năng về lại vùng 1.300 là chưa thể loại trừ.

-Trên đường lên, khi qua khỏi 1.429 (MA 200) sẽ nhận thêm xung lực để phá vùng 1.441.

-Trên đường đi xuống, nếu London để mất 1.356-1.354 (MA 20/100), khả năng mất 1.335 là khá dễ dàng.

-Trong mua bán giá cách biệt, khi New York rất mạnh và London hoạt động cầm chừng, đó chính là mục đích để tạo giá cách biệt giữa 2 sàn giãn xa. Nếu xu hướng này tiếp tục, giá robusta khó dâng cao trên 1.441. Vì một khi vùng này bị vỡ, London tăng mạnh và phá vỡ “thế trận” giá cách biệt. Chi trừ khi arabica tiếp tục dâng cao một cách mạnh mẽ, giá London cũng tăng nhưng sẽ rất cầm chừng.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Hàng ra nhiều, giá khó tăng.  

-Mặt bằng giá cà phê trong nước đang từ mức 33 tiệu đồng/tấn trở lên nhờ đợt chốt bán khá nhiều tại 1430-1.441.

-Nếu như trước đây Brazil bán robusta mạnh, từ nay có thêm sức ép bán từ Việt Nam do hàng vụ mới đang ra ngày càng nhiều.

-Điều cản trở lực bán từ Việt Nam chính là giá xuất khẩu. Người mua đang cho mức +80/+100 Usd/tấn là cao. Nếu như giá sàn robusta tăng, giá cà phê trong nước có thể không theo kịp.

-Dựa trên các phân tích đã nói, dự đoán giá cà phê robusta trong nước tuần này từ 33-34,5 triệu đồng/tấn.

Tư liệu tham khảo:

-Phân tích dự báo giá cà phê trên trang ncif.gov.vn

-barchart.com, investing.com và thitruongcaphe.net

 

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 65