(29/01/2018) Thị trường cà phê: Tình hình giá cả trong và ngoài nước

Giá hai sàn kỳ hạn robusta London và arabica New York đã có một tuần chỉnh tăng. Riêng sàn robusta, sau một vài phiên dao động mạnh ở tuần trước đó kết thúc vào ngày 19/01/18, giá càng về cuối tuần qua (27/01)  càng ổn định trong thế củng cố theo hướng tăng.

Kết thúc tuần trước, giá robusta London tăng 11 Usd chốt tại 1767 Usd/tấn và arabica New York lên 125.15 cts/lb, tăng 3.90 cts hay +86 Usd/tấn.

Giá New York tăng mạnh hơn London đã tạo thêm độ giãn cho giá cách biệt giữa hai sàn này để đạt 44 cts/lb hay 970 Usd/tấn (xem hình 1). Tuy nhiên, mức này vẫn chưa đủ sức để kéo các hãng chế biến rang xay chọn robusta vì bình thường chênh lệc giá arabica và robusta phải từ 1400 Usd/tấn trở lên, bấy giờ người tiêu thụ mới tích cực mua robusta.

Khi giá cách biệt giữa arabica với robusta co lại, arabica được cho là rẻ, khi giãn ra có nghĩa rằng giá robusta hấp dẫn người mua hơn.

Nhiều người tin rằng giá kỳ hạn tuần qua tăng là do tồn kho đạt chuẩn robusta (được phép đấu giá trên sàn kỳ hạn London) giảm. Tính đến 23/01/18, tổng lượng tồn kho đạt chuẩn thuộc sàn này còn 109.300 tấn (xem hình 1), trong khi đó lượng dư bán hàng giấy trên sàn kỳ hạn arabica New York còn quá lớn, các quỹ đầu tư tài chính cần phải mua bù.

Giá cà phê robusta đạt tiêu chuẩn xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ tuần qua có lúc đạt 37,7 triệu đồng/tấn giao hàng tại các kho cảng quanh TP. HCM, tăng nhẹ so với tuần trước đó.

Thị trường cà phê trong nước: Có thể tăng.

Tuần qua, giá cà phê chuẩn xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ chỉ ngấp nghé 38 triệu đồng/tấn. Đáng tiếc khi giá kỳ hạn robusta London chạm 1786, do tâm lý lo ngại London quay đầu giảm, các nước xuất khẩu bán ra khá mạnh cộng với các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã chốt lời các hợp đồng mua khống hàng giấy, nên chặn đường tăng.

Sức ép tâm lý nay đã giảm dần từ người bán hàng thực lẫn hàng giấy vì ít nhiều họ đã giải phóng bớt một số hàng hóa đã có sẵn trong tay.

Bên phía người mua, người cần hàng cũng khó có thể chờ lâu do những ngày nghỉ lễ tết tại Việt Nam, nước xuất khẩu robusta số 1 thế giới quá gần: người mua tranh thủ gom hàng khi thị trường nội địa ăn tết nguyên đán Mậu Tuất.

Thị trường cận tết cho tuần này sẽ có nhiều điều thú vị: kỹ thuật hai sàn thuận lợi cho giá tăng, áp lực bán từ phía xuất khẩu còn nhưng không căng như trước, nhu cầu mua của các nhà nhập khẩu xuất hiện do lo ngại đợt nghỉ dài ở Việt Nam.

Nếu lấy mức 37 triệu đồng/tấn ở vùng nguyên liệu tại Tây nguyên vào cuối tuần trước làm chuẩn, mức kỳ vọng 38,5 triệu đồng/tấn cho tuần này không phải quá xa vời.

NGUYỄN QUANG BÌNH

Hits: 44