(26-11-2017) Thị trường cà phê: Mua bán cầm chừng

Một vài nhà nhập khẩu vui mừng báo cho biết họ đã lên lịch mua hàng cà phê vụ mới từ Việt Nam khi đã khá chắc mùa khô bắt đầu tại vùng sản xuất trọng điểm ở Tây nguyên.

Điều này được khẳng định thêm vì một số công ty xuất khẩu nói họ đã tránh bán cà phê giao ngay trong tháng 11-2017 vì sợ chất lượng cà phê bị ảnh hưởng của mưa bão. “Công ty tôi chỉ dám bán (cà phê) giao hàng cho hai tháng tiếp theo là tháng 12-2017 và 1-2018 vì hàng vụ mới chưa nhiều do hái trễ hơn dự kiến,” giám đốc một công ty xuất khẩu đóng trên địa bàn thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai nói. Bà còn nói rằng giá cả trên sàn kỳ hạn robusta phức tạp, đang chiều hướng xuống, nên cũng không dám bán giao hàng xa hơn. Thường ở các năm trước, các công ty xuất khẩu và nhiều doanh nghiệp thu mua bán giao hàng rất xa, có thể đến giữa năm sau.

Giá xuất khẩu cho loại 2, tối đa 5% đen bể đang được mua bán quanh mức trừ 60-70 đô la/tấn dưới giá tháng 3-2018 của sàn kỳ hạn London.

Trong khi đó, giá cà phê nội địa ngày 25-11-2017 được giao dịch quanh mức 37 triệu đồng/tấn, giảm 2 triệu đồng so với cách đấy một tuần.

Trên sàn kỳ hạn robusta London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thưởng sử dụng làm tham chiếu, giá giao dịch ngày 24-11 hoàn toàn nằm dưới mức 1.800 đô la Mỹ/tấn với đỉnh trong ngày 1.751 và đáy 1.727 đô la. Đóng cửa ngày 24-11 London chốt 1.737 đô la/tấn, là mức thấp nhất tính từ hơn 16 tháng trở lại đây. Như vậy dựa trên mức đóng cửa sàn kỳ hạn tháng 3-2018 để qui ra tiền đồng Việt Nam, giá cơ sở giao hàng qua lan can tàu FOB, thì giá xuất khẩu ở mức 37,8 triệu đồng/tấn. Mức này vẫn được các nhà xuất khẩu cho là cao, chưa đủ sở hụi, vì ngoài giá mua 37 triệu, còn phải cộng thêm 1 đến 1,2 triệu đồng tiền cho phí chuyên chở, làm hàng, hao hụt, tài chính, lãi suất và phí ngân hàng cho đến khi giao hàng và được trả tiền. Đó là chưa tính lợi nhuận và một khoản chênh lệch phòng ngừa rủi ro khi giá kỳ hạn bất lợi.

“Giá cà phê nội địa ở mức 37 triệu đồng mỗi tấn như thế là cao vì nếu tính cho sòng phẳng và đủ sở hụi, giá chỉ chừng từ 37-37,3 triệu đồng,” bà giám đốc cho biết.

Chính vì giá đầu vào còn chênh lệch với giá xuất khẩu, nhiều công ty chưa mua vào nhiều mà chỉ vừa đủ để giao hàng cho những hợp đồng nhỏ 50-100 tấn.

Mua nguyên liệu để chế biến xuất khẩu không được nhiều, đó là dấu hiệu có một lực mua khác: cư dân và các thành phần kinh tế khác trong nước đang sử dụng tiền nhàn rỗi để thu gom hàng theo cách đầu cơ giá lên vì họ nghĩ giá 37-38 triệu đồng mỗi tấn là thấp.

Từ đầu niên vụ đến nay, có lúc giá cà phê nội địa chạm mức 42 triệu đồng mỗi tấn, thấp hơn đỉnh vụ cũ là 46 triệu. “Đúng là chưa đầy mấy tháng, giá cà phê tỉnh tôi giảm cả chục triệu đồng mỗi tấn, nên sức hút lực mua trữ đang thắng thế, buộc chúng tôi phải cẩn thận” vị giám đốc ở Pleiku nói thế.

NGUYỄN QUANG BÌNH

Hits: 41