Diễn biến hai sàn phái sinh cà phê: Thất vọng để mà hy vọng
Thị trường hàng hóa thương phẩm nói chung và cà phê nói riêng đang tìm cách phản ứng với các thay đổi về chính sách tiền tệ mới và khả năng giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương. Năm 2021, tỷ lệ lạm phát Mỹ lên 7% và vùng sử dụng đồng Euro (eurozone) tăng 5%, nước có nền kinh tế lớn nhất châu Mỹ La Tinh Brazil có mức lạm phát trên 2 chữ số với 10,06%…Những con số ấy đã tạo nên thất vọng cho các thị trường nhưng đó lại có thể là điểm khởi phát những hy vọng tốt đẹp hơn cho năm mới 2022.
Một số nhà phân tích tin rằng lạm phát đang tìm đỉnh và sẽ hạ nhiệt trong những ngày tháng tới. Như tại vùng eurozone, dù lạm phát 5% nhưng nếu trừ giá năng lượng và thực phẩm, mức tăng của giá dịch vụ dừng lại ở mức 2,4%. Họ cho rằng “thế giới hiện đang ở tại hoặc gần đến mức tồi tệ nhất của sự đứt gãy chuỗi cung ứng”. Người ta cũng tin khi vào sâu trong năm mới 2022, chuỗi cung ứng sẽ trở lại bình thường, hàng hóa lưu kho tăng lên và giá cả sẽ giảm.
Một trong các dấu hiệu cho thấy khủng hoảng logistics sẽ hạ nhiệt là chỉ số vận tải biển hàng khô (BDI) giảm xuống còn 1.764 điểm (hình 2), là mức thấp nhất tính từ đầu tháng 03/2021 dù biết rằng mùa hạ nhiệt của nhu cầu thuê tàu thường xảy ra hàng năm trong tháng đầu tiên.
Năm 2022 cũng là năm bầu cử tại nhiều nước như Pháp, Brazil, Mỹ (giữa kỳ). Tổng thống Pháp đã chính thức yêu cầu hãng cung cấp điện của nước này (EDF) hạ giá để xoa dịu cử tri, tại Brazil thì tổng thống đương nhiệm đang tạo điều kiện mở rộng sản xuất nông nghiệp và khai thác quặng mỏ tại vùng lá phổi của thế giới Amazone…
Thị trường hàng hóa thương phẩm và chứng khoán thế giới hai tuần đầu của năm 2022 đang sống trong tâm lý lo ngại cho giá hàng hóa dễ bị tổn thương nhưng nguồn hàng thì không đến nỗi.
Trong khi đó, chỉ số giá trị đồng Usd/DXY có một tuần giảm mạnh (hình 1 – bên trái) do các quỹ đầu tư tài chính bán tháo lượng dư mua để thu lãi trước tin lạm phát tăng tại nhiều nơi trên thế giới. Thật vậy, dù phiên cuối tuần trước DXY lên trên mức 95 điểm nhưng đấy là một tuần DXY giảm mạnh nhất tính từ tám tháng nay khi các nhà kinh doanh tiền tệ đoán trước nước Mỹ sẽ có chừng từ ba đến bốn lần tăng lãi suất đồng Usd để khống chế lạm phát.
Hai sàn cà phê đã xa đỉnh lập năm ngoái để dịu lại trong nửa tháng đầu của năm 2022, riêng giá robusta London đã giao dịch giảm từ đỉnh 2.384 xuống đáy 2.201 Usd/tấn, mất 183 Usd/tấn . Giá cà phê robusta tại thị trường trong nước cũng xa dần mức cao 42 triệu đồng/tấn để về quanh 40 triệu đồng.
Điểm tin cung-cầu trong tuần
Tồn kho cà phê đạt chuẩn robusta tăng
Cũng cả chục tháng nay, đây là lần đầu tiên tồn kho đạt chuẩn robusta thuộc sàn London được ghi nhận tăng. Nếu như ngày 01/04/21 tồn kho sàn này đạt 139.230 tấn, thì từ đó trở đi tồn kho đạt chuẩn liên tục giảm xuống đến 97.120 tấn. Tuy nhiên, tuần này, lượng cà phê tồn kho này đang có dấu hiệu tăng dần. Tính đến 11/01/2022, số liệu do sàn báo cáo đạt 97.390 tấn. Ngược lại, tồn kho đạt chuẩn arabica thuộc sàn New York giảm mạnh từ 91.908 tấn xuống còn 84.739 tấn. Có lẽ nhờ lý do này mà giá arabica tăng trong tuần trước.
Hàn Quốc đồng ý cho sử dụng lại xác cà phê rang xay
Bộ Môi trường Hàn Quốc cho phép chế biến lại bã cà phê rang xay thay vì vứt bỏ sau khi sử dụng. Một số tập đoàn và chính quyền thành phố Incheon sẽ dùng bã cà phê như là một nguyên liệu thay thế để làm mùn cưa rồi chuyển hóa nó thành các sản phẩm tẩy mùi bằng cách dùng phương pháp lên men vi sinh thông qua một số dự án điểm.
Không chỉ tại Hàn Quốc, nhiều nước khác cũng đã tận dụng bã cà phê để sản xuất nhang (hương) xả stress, làm giá thể nuôi trồng nấm, xà bông…vừa tăng tận dụng và tăng giá trị vừa bảo vệ môi trường.
Một số dự báo về thị trường của người làm cà phê Brazil
Hiệp hội Cà phê đặc sản Brazil lần đầu tiên phát hành các dự báo về thị trường cà phê của mình. Hiệp hội cho biết nhu cầu tiêu thụ robusta cũng như cà phê hòa tan chất lượng cao ngày càng nhiều. Hiệp hội này còn dự đoán thị trường cà phê sẽ quay về các mức giá như thời trước khi xảy ra đại dịch vào khoảng năm 2023.
Đấy là điều cần đặc biệt quan tâm vì mục tiêu từ 5-6 tỷ Usd trong vòng 15 năm tới cho ngành cà phê do Hiệp hội Cà phê&Ca cao Việt Nam mới (nhiệm kỳ 10) đề ra sẽ chịu thử thách rất lớn nếu chủ yếu tập trung vào xuất khẩu cà phê thương phẩm (commodity).
Giá cả
Hai sàn cà phê từ ba tuần nay (tính đến 14/01) như chơi trò “đu thăng bằng”, giá arabica tăng thì robusta giảm và nghịch lại.
Thật vậy, có thêm một tuần giá New York tăng và London giảm. Diễn biến trong tuần qua tính trên cơ sở tháng 03/22 đến hết ngày 14/01 như sau:
Sàn robusta London giảm 88 Usd chốt tại 2.228 với biên độ dao động 2.345/2.201;
Sàn arabica tăng 1.20 cts/lb hay 26 Usd/tấn với biên độ 240.85/231.35 cts/lb.
Giá arabica tăng giúp cho giá cách biệt giữa hai sàn giãn ra, nay là 138.58 cts/lb hay 3.055 Usd/tấn.
Chỉ số giá trị đồng Usd giảm không kịp giúp sàn robusta London nhưng giá trị đồng nội tệ Brazil tăng lại hỗ trợ giá arabica ngày cuối tuần.
Giá London giảm đã khiến người mua tính toán giá mua nhập khẩu cao hơn đôi chút, thay vì trừ 450 Usd/tấn Fob thì tuần qua xuất hiện giá chào mua trừ 430 Usd/tấn dưới giá niêm yết sàn London. Tuy vậy, các nhà xuất khẩu Việt Nam còn giữ rất nhiều hợp đồng với giá cũ (trừ 450 Usd/tấn và rẻ hơn) chưa được chốt giá bán cuối cùng.
Đến sáng thứ hai 17/01, giá cà phê cơ sở loại 2, tối đa 5% đen vỡ được các nhà xuất khẩu và trạm thu mua trả mức quanh 40 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, lượng bán ở mức ấy rất ít nên nhiều người phải trả giá cao hơn, có khi trên 40,5 triệu đồng/tấn.
Còn chưa đến hai tuần nữa là Tết nguyên đán. Các trạm trại thu mua và chế biến đang thu hẹp dần công việc để công nhân về quê đón Tết. Lực bán có thể còn nhưng người mua sẽ hạn chế do lo ngại rủi ro về giá trong đợt nghỉ Tết dài ngày.
Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 17-22/01/2022: Vực lên lại được chưa?
Không chỉ mất mốc tâm lý quan trọng một cách dễ dàng, London để mất luôn nút chặn quan trọng 2.247 (1) để rồi phải chạy thẳng xuống 2.201 và chốt ở 2.228.
Nếu lấy đỉnh 2.384/2.381 lập vào hai ngày giao dịch cuối cùng của năm trước, thì kể từ đó trở đi, giá robusta London chủ yếu theo chiều giảm nhưng dừng lại tại 2.201, chính là điểm gặp MA100.
Nằm tại 2.228 là vùng “chênh vênh” vì nếu như muốn người mua quay lại, London phải làm lại từ đầu như phải tấn công các “cứ điểm” 2.255 (MA5) và 2.279 (MA50) để tìm cách bươn lên vùng 2.300 sau khi phải vượt 2.294(MA10).
Giả sử như sức mua yếu, London có thể mất lại 2.201 và bấy giờ mở đường cho đợt giảm mạnh khác để về vùng 2.188/2.181, thậm chí về 2.140/2.125 như đồ thị của nhà phân tích độc lập Phan Trọng Anh trình bày ở trên.
Lượng hợp đồng dư mua trên sàn London đến ngày khóa sổ tuần trước còn ở mức cao 44.559 lô so với trước đó là 49.673. Sau đợt bán mạnh tuần trước, ước thực tế hiện nay lượng hợp đồng dư mua chừng 40-42 nghìn lô, mức ấy vẫn còn cao . Dù giá London đang bước một chân vào vùng bán quá mức, nhưng lượng dư mua còn lớn nên chưa ai dám đoán rằng họ còn phải thoát bớt nhất là khi tâm lý của giới đầu tư còn bất ổn trước các tin về thay đổi chính sách tiền tệ của Mỹ. Một vấn đề khác nữa là tồn kho cà phê đạt chuẩn thuộc sàn London tăng. Nếu như trong vài ngày tới đây, báo cáo tồn kho này có con số lớn hơn, lại thêm bất lợi, nên giới kinh doanh dựa trên kỹ thuật cần phải tính trước.
Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Các yếu tố có thể ảnh hưởng lên giá robusta.
Rõ ràng các dự đoán về tăng lãi suất để khống chế lạm phát tại nhiều nơi trên thế giới nhất là Mỹ đem lại nhiều bất lợi cho giá cà phê phái sinh do cà phê là sàn hàng hóa thương phẩm rất nhạy với yếu tố tiền tệ.
Về đường dài, thị trường cà phê còn một điều đáng quan tâm nữa: đó chính là tình hình lạm phát lên đến hai con số tại Brazil trong một năm có tổng tuyển cử bầu tổng thống mới. Chắc chắn chính quyền đương nhiệm phải khuyến khích xuất khẩu cà phê, là mặt hàng nông sản chính của nước này, lại gặp một năm 2022 cây cà phê vào chu kỳ năm được mùa. Trong điều kiện thời tiết bình thường, sản lượng cà phê Brazil có thể đạt đến trên 70 triệu bao (bao=60 kg), một đánh giá từ Brazil mới tiết lộ tuần trước. Chính vì vậy mà Hiệp hội Cà phê đặc sản Brazil mạnh dạn dự đoán thị trường cà phê thế giới có thể “quay lại thời tiền đại dịch”. Điều này có nghĩa là gì? Về sản lượng và giá cả, cà phê ra nhiều làm giá yếu, khủng hoảng chuỗi cung ứng được khống chế, hàng cà phê ra đều hơn.
Nếu như xem 15 ngày đầu năm như là một đợt làm giá lại trên sàn và định giá cà phê cho thị trường của bốn đến sáu tháng tới đang xuất hiện dần trên thị trường, thì các mức đỉnh cũ chỉ là kỳ vọng khá xa cho người kinh doanh cà phê. Trò chơi “đu thăng bằng” giữa hai sàn arabica và robusta là cách làm giá chủ đạo trong nội bộ thị trường cà phê, khi bên này tăng thì bên kia giảm, chỉ để tạo sóng vừa đủ để các nhà kinh doanh tài chính thoát dần các hợp đồng dư mua để phù hợp hơn với thực tế cung-cầu.
Thị trường cũng nhận được tin rằng mới đây cả chục ngàn tấn robusta đã và sẽ cập bến các cảng Châu Âu từ Brazil, Indonesia và Việt Nam bằng tàu thuê chuyến (conventional) do giá rẻ hơn. Đây lại là điều kiện cho các nhà kinh doanh đưa hàng vào giám định chất lượng đạt chuẩn, lại là một rủi ro giá xuống cho cà phê robusta.
Như vậy, giá các sàn phái sinh tăng sắp tới nếu có sẽ tùy thuộc rất lớn vào giá vận tải biển. Yếu tố này lại không hỗ trợ trực tiếp cho nông dân vì giá phái sinh vận tải biển tăng nhưng chưa chắc giá cước thực tế giảm.
Trong khi các nhà kinh doanh và nông dân nước ta đang kỳ vọng giá cà phê tăng do vùng cà phê Brazil mất mùa và bị sương giá, thì thiết nghĩ cũng cần nhìn lại thực tế những gì xảy ra trên sàn cà phê robusta để tránh các rủi ro đáng tiếc.
Giá cà phê nội địa tuần này được kỳ vọng giữ nguyên mức 40 triệu đồng/tấn với dung sai +/-0,5 triệu.
————————————————–
(1)“Nhận định giá cà phê thế giới từ 10-15/01/2022: Hai sàn cà phê tìm cách đi riêng?”, trên ncif.gov.vn.
Tác giả: Nguyễn Quang Bình
Hits: 72